Dự thảo luật Thủ đô do Bộ trưởng Tư pháp
Hà Hùng Cường trình bày trước Quốc hội sáng 26.10 nêu hai phương án
xiết 'nhập khẩu' vào nội thành Hà Nội.
Phương
án 1 cho phép công dân thuộc các trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về
ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con, người được điều
động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà
nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn... được đăng ký
thường trú ở nội thành Hà Nội, nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc
nhà thuê ở nội thành, đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ 3 năm trở lên;
nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Phương
án 2 khác phương án 1 ở điều kiện quy định công dân được điều động,
tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước
hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn... thì phải có nhà ở
thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở. Trường hợp nhà ở do thuê thì phải
bảo đảm diện tích mặt sàn tối thiểu 5m2/người.
Chưa tối ưu nhưng cần thiết
Thẩm
tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho hay thực tế
tình trạng gia tăng dân số cơ học ở Thủ đô là một trong những nguyên
nhân gây quá tải với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo áp
lực về giao thông, trường học, chỗ ở, y tế, việc làm…
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý
Việc
quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ
hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là
một trong những giải pháp cần thiết để giãn bớt số lượng dân cư thường
trú trong nội thành.
Bộ
trưởng Hà Hùng Cường giải thích thêm, để kiểm soát dân cư trong nội
thành Hà Nội, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải
pháp về kinh tế - xã hội, quy hoạch. Ông đồng tình, kiểm soát dân cư ở
nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu,
nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung
xây dựng Thủ đô.
Theo
số liệu do Công an Hà Nội cung cấp, từ khi luật Cư trú có hiệu lực, mỗi
năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành
(gấp hơn 3 lần so với trước). Điều kiện cơ sở hạ tầng và khả năng cung
ứng dịch vụ công như giáo dục, y tế, giao thông … không thể đáp ứng
kịp. Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng,
cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công để đáp ứng yêu cầu về biến
động dân cư hàng năm lớn như vậy.
Phí giao thông Thủ đô cao nhất nước
UB
Pháp luật tán thành quy định HĐND TP Hà Nội được quy định mức thu phí ở
nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần so với mức thu do Chính phủ và
Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền
quyết định của HĐND TP trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Tốc
độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư, lưu lượng người tham gia giao thông
tăng nhanh trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập đã gây
ra ách tắc giao thông, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, ô nhiễm môi trường...
Cần cho phép Hà Nội quy định mức phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông
vận tải để hạn chế phương tiện tham gia giao thông, đồng thời huy động
thêm nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công
cộng.
Dù
ủng hộ không nên quy định thu phí cao hơn ở nội thành vì đây chưa phải
là giải pháp tối ưu để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhưng
trước mắt, khi chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, thì cần tiếp
tục có giải pháp để giải quyết vấn nạn ùn tắc.
Dự
thảo luật cũng chỉ giao thẩm quyền cho HĐND xem xét, cần thiết thì mới
quy định. Việc thu phí cao hơn không vì mục đích thu, mà để giảm ùn tắc
trước hết vào giờ cao điểm.
Dự
án luật Thủ đô từng bị Quốc hội khóa trước 'bác' hồi tháng 3.2011.
Chiều mai, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án luật này. Phiên thảo luận
ở hội trường diễn ra sáng 5.11, trước khi đưa ra biểu quyết chiều
21.11.