Trước đây, nhiều người dân bị gây khó dễ khi làm các thủ tục cấp “sổ đỏ”. Nay tình trạng đó đã giảm bớt, nhưng lại xuất hiện vấn đề mới: người dân không chịu đến nhận “sổ đỏ” của mình! Lý do, để nhận sổ đỏ người dân phải nộp một khoản tiền không nhỏ cho nhà nước.
Theo Luật đất đai ban hành năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01/07/2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành về thu tiền sử dụng đất thì đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất và việc miễn, giảm tiền sử dụng đất được quy định rõ ràng và có vẻ việc miễn giảm này có lợi cho người sử dụng đất ở. Ví dụ: người sử dụng đất không có tranh chấp từ 1987 đến trước ngày 15 tháng 10/1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất, trong khi trước đây họ phải nộp bằng 20% tiền sử dụng đất. Hoặc người sử dụng đất ở từ 15/10/1993 đến nay trước đây phải nộp 100% tiền sử dụng đất nay nói chung chỉ phải nộp 50% tiền sử dụng đất.
Nhưng thực tế trừ những trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất, người dân vẫn cảm thấy họ phải nộp cao hơn so với trước. Đó là vì phần lớn các địa phương đều nâng mức tiền sử dụng đất lên từ 4-6 lần. Ví dụ: Người dân ở Thanh Xuân, Hà Nội, nhà mặt đường nếu chưa có đủ giấy tờ và sử dụng đất sau 15/10/1993, trước đây (2003) họ chỉ nộp 3 triệu đồng/m2 sẽ được nhận sổ đỏ, nay nếu họ muốn nhận sổ đỏ phải nộp 10 triệu đồng/m2 (50%x 20 triệu đồng/m2), tức phải nộp so với trước gấp 3 lần. Người dân đang ở ai cũng nghĩ sẽ rất vô lý nếu họ phải nộp tiền như vậy, trong khi sổ đỏ cũng chưa phải có hữu ích ngay đối với họ, đương nhiên họ sẽ lựa chọn không nhận sổ đỏ, không nộp tiền sử dụng đất.
Nếu tiếp tục tình trạng này sẽ lại dẫn đến người dân không cần sổ đỏ vẫn giao dịch (giấy viết tay), nhà nước không thu được tiền sử dụng đất và các khoản thuế, phí liên quan khác và cũng không quản lý được đất đai. Không loại trừ đến một ngày nào đó để quản lý được đất đai, phải “khuyến khích” người dân hợp thức hoá giấy tờ, nhà nước lại ban hành chính sách miễn cho họ tiền sử dụng đất (như hiện nay đối với đất đựoc sử dụng trước năm 1993). Nếu như vậy một vòng luân hồi mới của sự không tôn trọng pháp luật từ người dân lại bắt đầu, sẽ rất nguy hiểm cho sự tôn nghiêm của nhà nước và pháp luật.
Nhưng làm thế nào để hầu hết người dân nhận sổ đỏ và nhà nước vẫn thu được tiền không kém so với trước. Theo tôi, nhà nước (chính là chính quyền địa phương cấp tỉnh) cần có tư duy của một doanh nghiệp, đưa ra phương thức để người dân dần chấp nhận nộp tiền sử dụng đất, nhưng theo hướng khuyến khích người nộp tiền trước, không khuyến khích người nộp tiền chậm.
Cụ thể như sau:
a. Do tiền sử dụng đất thuộc về ngân sách địa phương nên Quốc hội cần cho phép các tỉnh, thành phố được giảm theo quyết định của Hội đồng nhân cấp tỉnh.
b. Những địa phương như Hà Nội, TPHCM và một số nơi khác có đô thị phát triển cho phép người dân nộp chậm tiền sử dụng đất đồng thời giảm tiền sử dụng đất đối với những người nộp sớm. Ví dụ có thể theo cách sau:
- Người nộp sớm (ngay trong 2005-2006) đựơc giảm 70% số tiền phải nộp. Trường hợp này người dân ở Thanh Xuân, Hà Nội chỉ phải nộp 3 triệu đồng/m2 như mức ở năm 2003.
- Người nộp trong năm 2007 được giảm 50% số tiền phải nộp.
- Người nộp trong năm 2008 được giảm 30% số tiền phải nộp
- Người nộp trong năm 2009 được giảm 10% số tiền phải nộp
- Người nộp từ 2010 không được giảm số tiền phải nộp và thậm chí có thể bị điều chỉnh tăng lên nếu giá đất tăng lên
- Người đã nộp và chưa được giảm sẽ được hoàn lại số tiền 70% số tiền đã nộp.
Chúng tôi tin rằng với phương cách trên người dân sẽ nô nức đi nộp sớm vì được lợi còn nhà nước sẽ không mất gì vì thu được tiền sử dụng đất, quản lý được đất đai và cũng giúp người dân tránh được những tranh chấp khiếu kiện không đáng có về đất đai do họ có giấy tờ hợp pháp. Sau này, khi hầu hết đất đai đã có chủ hợp pháp sẽ quy định chặt chẽ hơn về các khoản thuế, phí liên quan đến đất đai, khi đó đất đai sẽ là một nguồn thu khổng lồ cho ngân sách địa phương, như ở nhiều nước khác có chế độ quản lý tốt.
Nếu tháo gỡ chỉ theo hướng như đề nghị của một số địa phương (cho nợ tiền sử dụng đất, nhưng vẫn cấp sổ đỏ) theo tôi sẽ chỉ tạo thêm sức ỳ cho người dân và chính quyền địa phương, vì không xác định được bao giờ người dân phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính và người dân do không thấy có lợi cho việc nộp tiền sẽ không bao giờ nộp và nhà nước cũng không có cách gì để xử lý họ.