Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Điều lệ công ty vô hiệu

Vai trò của bản điều lệ khi có tranh chấp trong nội bộ công ty là như thế nào? Quan hệ của nó với Luật Doanh nghiệp sẽ ra sao trong trường hợp tranh chấp như thế?

Điều lệ công ty, một cách thông thường, vẫn được hiểu là “bản hiến pháp”, là “luật tối cao” trong công ty. Các thành viên sáng lập khi thành lập công ty cũng như các thành viên mới khi gia nhập công ty luôn phải thông qua hoặc cam kết tuân thủ điều lệ – ấn định những nguyên tắc về tổ chức nội bộ, hoạt động, giải thể của công ty, từ đó điều chỉnh các quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong công ty.

Xét cho cùng, điều lệ công ty là bản thỏa thuận của các thành viên công ty và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, do vậy, trong ý nghĩa đó, điều lệ có tính chất như một bản hợp đồng. Một thực tế đời sống và pháp lý đã và đang diễn ra là hợp đồng có thể bị tuyên là vô hiệu (toàn bộ các điều khoản hoặc một phần). Điều lệ công ty cũng tương tự.



Tòa cũng lấn cấn:

Xin được đơn cử một trường hợp dưới đây để làm rõ hơn về vấn đề này.

Công ty TNHH Lâm sản Toàn Thịnh được thành lập ngày 1-2-1992 theo Quyết định số 38/GP-UB của UBND TPHCM có tám thành viên sáng lập. Điều lệ được xây dựng dựa trên Luật Công ty năm 1990.

Từ khi được thành lập đến ngày 8-10-1997 công ty đã bốn lần thay đổi các thành viên công ty, giảm số lượng thành viên xuống còn hai (bà Nguyễn Thị Bích Đào và ông Lê Quang Chiêu), mỗi thành viên góp 50% vốn điều lệ nhưng điều lệ, vốn điều lệ của công ty vẫn không thay đổi.

Trong quá trình hoạt động đến năm 2003, giữa các thành viên với công ty phát sinh mâu thuẫn về việc phân chia lợi nhuận, sau đó các bên không tự giải quyết được, phát sinh tranh chấp và bà Nguyễn Thị Bích Đào đã khởi kiện công ty ra TAND TPHCM để yêu cầu được rút phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác theo giá thỏa thuận, nếu không chuyển nhượng được thì giải thể công ty.

Ông Lê Quang Chiêu – thành viên còn lại của công ty không đồng ý cho bà Nguyễn Thị Bích Đào chuyển nhượng cho người ngoài công ty, cũng không mua và không giới thiệu ai mua.

Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 243/XX-KTST ngày 28-9-2004, TAND TPHCM chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có trách nhiệm thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án.

Ông Lê Quang Chiêu có đơn kháng cáo. Bản án kinh tế phúc thẩm số 72/KTPT ngày 24-12-2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM quyết định bác đơn yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bích Đào do căn cứ vào điều lệ công ty (điểm b, điều 7, quy định: “Việc chuyển nhượng phần hùn vốn được ưu tiên thực hiện giữa các thành viên, nếu chuyển nhượng cho người ngoài công ty thì phải được đa số thành viên tiêu biểu ít nhất là 80% vốn công ty ưng thuận”).

Ngày 12-9-2005, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định kháng nghị số 04/KN-AKT kháng nghị bản án phúc thẩm.

Ngày 4-4-2006, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 01/2006/KDTM-GĐT tuyên điều 7 điều lệ Công ty Toàn Thịnh vô hiệu do: (i) không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp 1999 về quy định việc chuyển nhượng phần vốn góp kể từ ngày 12-6-2001 và (ii) quy định này không còn khả thi. Quyết định giám đốc thẩm cũng tuyên phần phán quyết của bản án sơ thẩm về việc thay đổi danh sách thành viên góp vốn và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM có trách nhiệm thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp theo quyết định của tòa án là không có căn cứ vì tòa án chỉ giải quyết việc được hay không được chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty, còn chuyển nhượng cho ai, thủ tục chuyển nhượng, thay đổi thành viên là việc của các thành viên với nhau và thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư.



Dùng luật để phân tích: Xét về tính hợp pháp của điều 7 điều lệ Công ty Toàn Thịnh:

Theo khoản 2, điều 25 Luật Công ty năm 1990 quy định: “Việc chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên được thực hiện tự do. Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải là thành viên phải được sự nhất trí của nhóm thành viên đại diện cho ít nhất ba phần tư số vốn điều lệ của công ty”. Vào thời điểm được thông qua, điều 7 điều lệ của Công ty Toàn Thịnh là phù hợp với Luật Công ty.



Tuy nhiên, năm 1999 Luật Doanh nghiệp đã thay thế Luật Công ty, việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên được thực hiện theo các điều 26, 32 của Luật Doanh nghiệp 1999. Theo đó, Luật Doanh nghiệp 1999 không còn hạn chế việc chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty phải có sự đồng ý của nhóm thành viên công ty đại diện cho ba phần tư số vốn điều lệ nữa.



Về thực tế Công ty Toàn Thịnh hiện chỉ còn hai thành viên, vốn góp mỗi người ngang nhau (50/50), quy định của điều lệ liên quan đến tỷ lệ 80% là không thể thực hiện được.

Công ty Toàn Thịnh đã có nhiều thay đổi về thành viên, về tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của mỗi thành viên, thay đổi về đăng ký kinh doanh nhưng công ty vẫn không sửa đổi điều lệ cho phù hợp với thực tế và quy định mới của pháp luật.

Hơn nữa, điều 123 Luật Doanh nghiệp 1999 cũng đã có quy định: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có điều lệ không phù hợp với quy định của luật này, thì công ty đó phải sửa đổi, bổ sung điều lệ trong thời hạn hai năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực. Trường hợp quá thời hạn này mà điều lệ công ty không được sửa đổi, bổ sung, thì điều lệ đó bị coi là không hợp lệ”.

Do vậy, giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong công ty về việc thay đổi thành viên và chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty Toàn Thịnh phải căn cứ vào Luật Doanh nghiệp 1999, chứ không thể căn cứ vào điều lệ của công ty.

Như vậy, quan điểm của Tòa án Việt Nam là khi các thành viên (cổ đông) của một công ty tranh chấp thì phải căn cứ vào bản điều lệ của công ty trước, nếu điều lệ chưa quy định thì áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp nói riêng và pháp luật nói chung. Tuy nhiên, nếu điều lệ của công ty trái với quy định của Luật Doanh nghiệp (pháp luật) hiện hành thì áp dụng quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây đặt ra là các công ty phải thường xuyên cập nhập những thay đổi của pháp luật nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng vào điều lệ của mình để tránh những rủi ro về pháp lý khi điều lệ công ty bị tuyên là vô hiệu.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Thành lập doanh nghiệp, cần quan tâm gì?


Quyết định thành lập doanh nghiệp là một quyết định quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào, đặc biệt là những người mới khởi nghiệp.

Sau quyết định quan trọng đó, chính là lúc các nhà đầu tư tiến hành các thủ tục pháp lý để thành lập doanh nghiệp. Thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp hiện nay khá đơn giản và thời gian xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng không dài, nên có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập trong những năm gần đây.

Trong giai đoạn tiền thành lập này, các nhà đầu tư thường có khuynh hướng tập trung vào các vấn đề thương mại khác của doanh nghiệp như tìm hiểu thị hiếu khách hàng tiềm năng, chọn địa điểm kinh doanh, tìm nguồn vốn, nguồn nhân lực, nguồn cung cấp để phục vụ cho dự án kinh doanh...

Việc làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thường được nhà đầu tư xem nhẹ và coi là bước thủ tục phải làm mà không đặt trọng tâm vào. Tuy nhiên, trong thực tế có một số vấn đề pháp lý phát sinh có liên quan đến thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà các nhà đầu tư (đặc biệt là những người mới khởi nghiệp) cần lưu ý.

1. Cần xác định ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp

Xác định được ngành nghề kinh doanh cho doanh nghiệp rất quan trọng vì ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh thông thường, ở một số loại ngành nghề, các nhà đầu tư còn phải xin thêm giấy phép kinh doanh, phải có chứng chỉ hành nghề, hoặc phải đáp ứng thêm một số điều kiện đặc thù của ngành nghề đó mà pháp luật quy định cũng như phải thực hiện đúng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

Hiện nay pháp luật doanh nghiệp quy định ba loại hình của ngành nghề kinh doanh chính mà đòi hỏi nhà đầu tư phải thỏa mãn thêm một số yêu cầu đối với việc đăng ký kinh doanh, đó là: (i) các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, (ii) các ngành, nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, và (iii) các ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.

Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện như nêu ở (i) thì tùy từng ngành, nghề kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ được yêu cầu phải: (i) xin giấy phép kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho ngành nghề kinh doanh đó (ví dụ như đối với ngành sản xuất phim, doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Cục Điện ảnh cấp trước khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh); hoặc (ii) đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy định về phòng cháy, chữa cháy, trật tự xã hội, an toàn giao thông và quy định về các yêu cầu khác đối với hoạt động kinh doanh tại thời điểm thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp (ví dụ như kinh doanh vũ trường, karaoke).

Đối với ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định như nêu ở (ii) ở trên (ví dụ như kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 6 tỉ đồng, dịch vụ đòi nợ phải có vốn pháp định 2 tỉ đồng), các nhà đầu tư phải chuẩn bị văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (cụ thể là xác nhận của ngân hàng).

Đối với ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề như nêu ở (iii), ví dụ như kinh doanh dịch vụ pháp lý, kiểm toán, kế toán, thì tùy theo từng loại hình doanh nghiệp mà chủ sở hữu hoặc người quản lý doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề.

Do đó, việc xác định ngành nghề kinh doanh là rất quan trọng cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần phải chắc chắn là mình có thể thỏa mãn các điều kiện pháp lý để có thể xin được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước thay vì lo tập trung cho các công việc khác mà phải tốn kém chi phí, ví dụ như đặt cọc thuê nhà, thuê mướn nhân viên) rồi cuối cùng nhận ra là mình chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Cần xác định nguồn vốn điều lệ

Các nhà đầu tư cũng cần xác định rõ loại tài sản nào mà nhà đầu tư sẽ dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp (ví dụ như tiền đồng, ngoại tệ, vàng, cổ phiếu, bất động sản, động sản...).

Riêng đối với tài sản góp vốn không phải là tiền đồng, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì cần phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá, để làm cơ sở cho việc góp vốn và hạch toán kế toán, thuế của doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư cần thiết phải trao đổi với nhau để thống nhất phương thức định giá và tổ chức định giá trước khi thành lập doanh nghiệp hay thậm chí là tự thỏa thuận định giá với nhau - và có thể đưa vào trong hợp đồng/thỏa thuận thành lập doanh nghiệp (xem phần 6 bên dưới).

Việc này nhằm tránh trường hợp sau khi doanh nghiệp được thành lập xong, nhưng các bên không thỏa thuận được với nhau về phương thức định giá hay tổ chức định giá hoặc là giá trị của tài sản góp vốn, gây đình trệ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Cần xác định số lượng thành viên góp vốn và loại hình doanh nghiệp

Số lượng các thành viên góp vốn cũng ảnh hưởng đến loại hình doanh nghiệp và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp sau này.

Nếu chỉ có một nhà đầu tư duy nhất, loại hình doanh nghiệp sẽ có thể là doanh nghiệp tư nhân với cơ chế quản lý là chủ doanh nghiệp, hay là công ty TNHH một thành viên đối với trường hợp nhà đầu tư là tổ chức với cơ chế quản lý có thể là hội đồng thành viên (nếu có từ hai người đại diện theo ủy quyền trở lên) hay chủ tịch công ty (nếu chỉ có một người đại diện theo ủy quyền) hay chủ tịch công ty nếu nhà đầu tư là cá nhân.

Nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên thì các nhà đầu tư sẽ chọn lựa giữa việc thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên (có hội đồng thành viên) hay công ty cổ phần (có hội đồng quản trị và đại hội đồng cổ đông).

Mỗi loại hình doanh nghiệp và cơ cấu quản lý có những thuận lợi (ví dụ như thay đổi cổ đông sở hữu dưới 5% tổng số cổ phần của công ty cổ phần không phải thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty cổ phần có thể phát hành trái phiếu, chỉ cần một nhà đầu tư là đã có thể thành lập công ty TNHH) và những khó khăn (ví dụ như công ty cổ phần thì các cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần trong ba năm đầu thành lập, công ty cổ phần phải có ít nhất ba cổ đông sáng lập, lương trả cho chủ doanh nghiệp tư nhân không được coi là chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp tư nhân).

Do đó, các nhà đầu tư cần phải biết trước để chọn lựa loại hình doanh nghiệp và cơ cấu quản lý cho phù hợp. Chọn lựa sai có thể tạo sức ỳ, là lực cản tăng trưởng hay thậm chỉ làm cho doanh nghiệp bị phá sản.

4. Cần lựa chọn tên cho doanh nghiệp

Đặt tên cho doanh nghiệp cũng như đặt tên cho đứa con tinh thần của mình. Nó là thương hiệu của doanh nghiệp, mà từ nó có thể mang đến thành công hay thất bại cho doanh nghiệp. Hiện tại pháp luật cho phép đặt tên cho doanh nghiệp có thể là tên tiếng Việt, tên tiếng nước ngoài (nếu có), tên viết tắt.

Tuy nhiên, việc đặt tên cho doanh nghiệp cần phải đáp ứng một số quy định cũng như không được trùng với tên của những doanh nghiệp cùng ngành nghề đã đăng ký trước đó trong phạm vi toàn quốc.

5. Cần xác định địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm địa điểm trụ sở chính của doanh nghiệp thành lập và cả địa điểm của các cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp (nếu có). Mặc dù quy định về đăng ký kinh doanh được áp dụng thống nhất theo Luật doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng trên thực tế, xuất phát từ đặc thù riêng biệt mà ở địa phương có thể có những hạn chế, hay những điều kiện nhất định mà doanh nghiệp ở đó phải tuân theo.

Ví dụ, gần đây Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM đang cho lấy ý kiến một số sở, ngành liên quan trước khi trình UBND thành phố chính thức ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường, thậm chí cả một khu vực tạm ngưng không cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ, thương mại tập trung đông người như siêu thị, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, trung tâm thương mại, trung tâm đào tạo...

Do đó, việc kiểm tra xem địa điểm kinh doanh dự kiến có được cơ quan cấp phép địa phương chấp thuận hay không trước khi thương lượng thuê nhà cũng rất quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu tâm trước khi nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh.

6. Cần có hợp đồng/thỏa thuận thành lập doanh nghiệp

Hợp đồng/thỏa thuận thành lập doanh nghiệp là hết sức quan trọng và cần thiết đối với trường hợp doanh nghiệp do nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ đối với loại hình liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thì hợp đồng liên doanh mới được yêu cầu phải có trong hồ sơ đăng ký kinh doanh mà thôi.

Tuy vậy, ngay cả với những trường hợp hồ sơ đăng ký kinh doanh không có yêu cầu thì các nhà đầu tư cũng nên lập hợp đồng hoặc thỏa thuận thành lập doanh nghiệp để có thể xác định quyền và nghĩa vụ của từng nhà đầu tư, tránh những tranh chấp không đáng có sau này.

Hợp đồng hoặc thỏa thuận này sẽ bao gồm những quyền và nghĩa vụ của từng bên trong quá trình chuẩn bị thành lập doanh nghiệp cho đến khi bắt đầu tiến hành đăng ký kinh doanh và ở giai đoạn doanh nghiệp mới thành lập, xử lý trường hợp doanh nghiệp không thể thành lập được... những vấn đề mà điều lệ mẫu của cơ quan cấp phép của địa phương không quy định (ví dụ như các thỏa thuận chuyển nhượng vốn giữa các thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập trong tương lai; vấn đề bảo mật thông tin giữa các nhà đầu tư; những cam kết riêng lẻ về những vấn đề hợp tác đầu tư giữa các bên trong tương lai...).

Nói tóm lại, tùy từng trường hợp riêng biệt của nhà đầu tư mà những công việc pháp lý (như được nêu ở trên) cần chuẩn bị trước khi đăng ký kinh doanh. Sự tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà đầu tư trong giai đoạn này sẽ giúp cho việc tiến hành đăng ký kinh doanh sau đó được thuận lợi hơn rất nhiều, tránh được những sự từ chối hoặc yêu cầu bổ sung, chỉnh sửa từ cơ quan đăng ký kinh doanh, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

LS. Anh Hồng Ngân - LS. Nguyễn Hữu Phước (TBKTSG)