Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Điều lệ công ty vô hiệu

Vai trò của bản điều lệ khi có tranh chấp trong nội bộ công ty là như thế nào? Quan hệ của nó với Luật Doanh nghiệp sẽ ra sao trong trường hợp tranh chấp như thế?

Điều lệ công ty, một cách thông thường, vẫn được hiểu là “bản hiến pháp”, là “luật tối cao” trong công ty. Các thành viên sáng lập khi thành lập công ty cũng như các thành viên mới khi gia nhập công ty luôn phải thông qua hoặc cam kết tuân thủ điều lệ – ấn định những nguyên tắc về tổ chức nội bộ, hoạt động, giải thể của công ty, từ đó điều chỉnh các quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong công ty.

Xét cho cùng, điều lệ công ty là bản thỏa thuận của các thành viên công ty và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, do vậy, trong ý nghĩa đó, điều lệ có tính chất như một bản hợp đồng. Một thực tế đời sống và pháp lý đã và đang diễn ra là hợp đồng có thể bị tuyên là vô hiệu (toàn bộ các điều khoản hoặc một phần). Điều lệ công ty cũng tương tự.



Tòa cũng lấn cấn:

Xin được đơn cử một trường hợp dưới đây để làm rõ hơn về vấn đề này.

Công ty TNHH Lâm sản Toàn Thịnh được thành lập ngày 1-2-1992 theo Quyết định số 38/GP-UB của UBND TPHCM có tám thành viên sáng lập. Điều lệ được xây dựng dựa trên Luật Công ty năm 1990.

Từ khi được thành lập đến ngày 8-10-1997 công ty đã bốn lần thay đổi các thành viên công ty, giảm số lượng thành viên xuống còn hai (bà Nguyễn Thị Bích Đào và ông Lê Quang Chiêu), mỗi thành viên góp 50% vốn điều lệ nhưng điều lệ, vốn điều lệ của công ty vẫn không thay đổi.

Trong quá trình hoạt động đến năm 2003, giữa các thành viên với công ty phát sinh mâu thuẫn về việc phân chia lợi nhuận, sau đó các bên không tự giải quyết được, phát sinh tranh chấp và bà Nguyễn Thị Bích Đào đã khởi kiện công ty ra TAND TPHCM để yêu cầu được rút phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cho thành viên khác theo giá thỏa thuận, nếu không chuyển nhượng được thì giải thể công ty.

Ông Lê Quang Chiêu – thành viên còn lại của công ty không đồng ý cho bà Nguyễn Thị Bích Đào chuyển nhượng cho người ngoài công ty, cũng không mua và không giới thiệu ai mua.

Tại bản án kinh tế sơ thẩm số 243/XX-KTST ngày 28-9-2004, TAND TPHCM chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có trách nhiệm thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp theo quyết định của Tòa án.

Ông Lê Quang Chiêu có đơn kháng cáo. Bản án kinh tế phúc thẩm số 72/KTPT ngày 24-12-2004, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM quyết định bác đơn yêu cầu của bà Nguyễn Thị Bích Đào do căn cứ vào điều lệ công ty (điểm b, điều 7, quy định: “Việc chuyển nhượng phần hùn vốn được ưu tiên thực hiện giữa các thành viên, nếu chuyển nhượng cho người ngoài công ty thì phải được đa số thành viên tiêu biểu ít nhất là 80% vốn công ty ưng thuận”).

Ngày 12-9-2005, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định kháng nghị số 04/KN-AKT kháng nghị bản án phúc thẩm.

Ngày 4-4-2006, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 01/2006/KDTM-GĐT tuyên điều 7 điều lệ Công ty Toàn Thịnh vô hiệu do: (i) không còn phù hợp với Luật Doanh nghiệp 1999 về quy định việc chuyển nhượng phần vốn góp kể từ ngày 12-6-2001 và (ii) quy định này không còn khả thi. Quyết định giám đốc thẩm cũng tuyên phần phán quyết của bản án sơ thẩm về việc thay đổi danh sách thành viên góp vốn và yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM có trách nhiệm thực hiện việc thay đổi đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp theo quyết định của tòa án là không có căn cứ vì tòa án chỉ giải quyết việc được hay không được chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty, còn chuyển nhượng cho ai, thủ tục chuyển nhượng, thay đổi thành viên là việc của các thành viên với nhau và thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư.



Dùng luật để phân tích: Xét về tính hợp pháp của điều 7 điều lệ Công ty Toàn Thịnh:

Theo khoản 2, điều 25 Luật Công ty năm 1990 quy định: “Việc chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên được thực hiện tự do. Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải là thành viên phải được sự nhất trí của nhóm thành viên đại diện cho ít nhất ba phần tư số vốn điều lệ của công ty”. Vào thời điểm được thông qua, điều 7 điều lệ của Công ty Toàn Thịnh là phù hợp với Luật Công ty.



Tuy nhiên, năm 1999 Luật Doanh nghiệp đã thay thế Luật Công ty, việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên được thực hiện theo các điều 26, 32 của Luật Doanh nghiệp 1999. Theo đó, Luật Doanh nghiệp 1999 không còn hạn chế việc chuyển nhượng vốn ra ngoài công ty phải có sự đồng ý của nhóm thành viên công ty đại diện cho ba phần tư số vốn điều lệ nữa.



Về thực tế Công ty Toàn Thịnh hiện chỉ còn hai thành viên, vốn góp mỗi người ngang nhau (50/50), quy định của điều lệ liên quan đến tỷ lệ 80% là không thể thực hiện được.

Công ty Toàn Thịnh đã có nhiều thay đổi về thành viên, về tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của mỗi thành viên, thay đổi về đăng ký kinh doanh nhưng công ty vẫn không sửa đổi điều lệ cho phù hợp với thực tế và quy định mới của pháp luật.

Hơn nữa, điều 123 Luật Doanh nghiệp 1999 cũng đã có quy định: “Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có điều lệ không phù hợp với quy định của luật này, thì công ty đó phải sửa đổi, bổ sung điều lệ trong thời hạn hai năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực. Trường hợp quá thời hạn này mà điều lệ công ty không được sửa đổi, bổ sung, thì điều lệ đó bị coi là không hợp lệ”.

Do vậy, giải quyết tranh chấp giữa các thành viên trong công ty về việc thay đổi thành viên và chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty Toàn Thịnh phải căn cứ vào Luật Doanh nghiệp 1999, chứ không thể căn cứ vào điều lệ của công ty.

Như vậy, quan điểm của Tòa án Việt Nam là khi các thành viên (cổ đông) của một công ty tranh chấp thì phải căn cứ vào bản điều lệ của công ty trước, nếu điều lệ chưa quy định thì áp dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp nói riêng và pháp luật nói chung. Tuy nhiên, nếu điều lệ của công ty trái với quy định của Luật Doanh nghiệp (pháp luật) hiện hành thì áp dụng quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Vấn đề ở đây đặt ra là các công ty phải thường xuyên cập nhập những thay đổi của pháp luật nói chung và Luật Doanh nghiệp nói riêng vào điều lệ của mình để tránh những rủi ro về pháp lý khi điều lệ công ty bị tuyên là vô hiệu.