Trang

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Trong hành trình làm sổ đỏ: Chủ quản thờ ơ, dân vô vọng

Sinh sống ổn định nhiều chục năm trong chính ngôi nhà được phân phối hợp pháp... nhưng các hộ dân không thể làm sổ đỏ. Ôm hồ sơ, gõ cửa chính quyền thì được chỉ về Cty, tìm đến Cty thì lại được chỉ lên chính quyền. Vòng tròn luẩn quẩn ấy đẩy các hộ dân sống trong các khu nhà đất tự quản (được Cty phân đất) rơi vào ma trận không thể xác lập quyền sử đụng đất hợp pháp…

Vòng luẩn quẩn, không lối thoát

Điển hình trong số này phải kể đến Khu tập thể Đội xe 306, Cty vận tải ôtô số 3 ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (HN). 12 hộ gia đình tại đây được cấp đất và sử dụng ổn định gần 20 năm nay. Tuy nhiên, như ông Vũ Anh Tuấn - một hộ dân trong khu tập thể - cho biết: Gia đình ông và các hộ dân đã ôm đơn cầu cạnh khắp các cơ quan chức năng, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu cùng chỉ dẫn luẩn quẩn. “Lên xã, lên huyện thì cán bộ chỉ xuống Cty vận tải ôtô số 3; còn về Cty thì họ thờ ơ, bảo không có chức năng”.

Không có sổ đỏ, nhà cửa xuống cấp, dột nát, thậm chí nguy hiểm, nhưng các hộ dân không thể xây mới hoặc sửa chữa vì không thể xin được giấy phép xây dựng.

Trước những tồn tại, bức xúc trong việc sử dụng đất tại đơn vị này, năm 2003, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quý Đôn đã ký văn bản giao Sở Địa chính - Nhà đất (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng UBND huyện Từ Liêm kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất.

Đồng thời yêu cầu “Cty vận tải ôtô số 3 trình UBND huyện Từ Liêm cấp giấy chứng nhận đối với 1.438m2 đất của 12 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên trước 30.6.2003”. Tuy nhiên, hơn 9 năm đã trôi qua, chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội chỉ nằm trên giấy.

Về tình trạng này, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ - cho biết: Chính quyền cơ sở biết người dân bức xúc vì không được làm sổ đỏ, cũng như thấu hiểu nỗi khổ của họ. Tuy nhiên, nếu Cty không có ý kiến thì xã, huyện không thể làm được. Chúng tôi đã giục Cty nhiều lần, nhưng không nhận được hồi âm”.

Vòng luẩn quẩn thủ tục giữa doanh nghiệp và chính quyền đã khiến người dân rơi vào ma trận không thể làm được sổ đỏ cho chính diện tích đất được cấp và sử dụng ổn định liên tục trong suốt gần 20 năm trời. Điều ngang trái là họ sống trong chính ngôi nhà của mình, nhưng không được pháp luật thừa nhận, nhà xuống cấp, không được cải tạo, xây mới.

Cần hợp thức hóa cho dân


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện TP có hơn 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo yêu cầu của TP. Vì thế, chưa có cơ sở để thành phố cấp sổ đỏ. Cùng hoàn cảnh tương tự như Khu tập thể đội xe 306, Cty ôtô số 3, có hàng trăm hộ dân tại khu nhà gỗ ngoài đê sông Hồng, phường Chương Dương.

Sau vụ cháy mới xảy ra gần đây, đặc biệt sau khi UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị UBND TP thu hồi toàn bộ các khu nhà gỗ còn lại, hàng trăm hộ dân ở đây càng thêm lo lắng, không biết quyền lợi của họ sẽ được giải quyết ra sao.

Vì gần nửa thế kỷ sống tại khu tập thể này, nhưng họ không được cấp sổ đỏ. Bà Phạm Thị Đạm Nga (ở phòng 37, nhà B7) cho biết, gia đình bà được Cty thực phẩm Tông Đản phân căn hộ từ năm 1967. “Gia đình tôi sống ở đây 45 năm, nhưng không có giấy tờ gì liên quan đến căn phòng. Nhiều hộ gia đình đã chuyển nhượng, nhưng thủ tục như làm chui.

Nhiều năm nay, người dân trong khu rất thiết tha được làm sổ đỏ để xác lập quyền sở hữu hợp pháp của mình, cũng như xác lập quyền được Nhà nước thừa nhận..., nhưng chẳng có cơ quan nào đề cập đến vấn đề này. Sau khi Cty thực phẩm Tông Đản giải thể... mọi thứ gần như buông xuôi. Nhiều nhà khó khăn, muốn thế chấp nhà để vay vốn, nhưng không tổ chức tín dụng nào nhận...”.

Theo Sở Xây dựng thì thực trạng trên đáng báo động. Vì không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay do cơ quan đã giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa... hồ sơ bị thất lạc, mất gốc. Trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay, hoặc xây dựng không phép, sai phép... nên càng khó xét cấp GCN. Các dạng nhà này thuộc huyện Thanh Trì nhiều nhất (3.190 trường hợp), tiếp đó là các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy...

Theo một lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường thì vấn đề trên là tồn tại mang tính lịch sử. Không thể để người dân vô vọng trong vòng luẩn quẩn và mặc kẹt giữa doanh nghiệp và chính quyền. Cũng theo vị lãnh đạo này thì chính quyền thành phố cần có giải pháp theo hướng nếu người dân có vi phạm về trình tự, thủ tục chuyển nhượng hay xây dựng không phép thì xử phạt rồi cho dân được hợp thức hóa. Bởi nếu cứ bắt buộc phải chờ cơ quan chủ quản trình, trong khi cơ quan đó giải thể thì quá bằng đánh đố người dân.