Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Địa vị pháp lý của Tổ quản lý và thanh lý tài sản theo pháp luật phá sản

Phá sản là một thủ tục tố tụng tư pháp đặc biệt với sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có thiết chế quản lý tài sản của con nợ. Sự hiện diện của chủ thể này trong pháp luật cũng như thực tiễn giải quyết ở các nước là một điều cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng con nợ tẩu tán, làm thất thoát tài sản, thu hồi được nhiều nhất các quyền lợi vật chất cho các chủ nợ; tránh tình trạng bắt nợ phi pháp từ phía các chủ nợ; đồng thời việc phân chia tài sản, điều hòa lợi ích giữa các chủ nợ, giữa chủ nợ với con nợ và lợi ích của người lao động, của Nhà nước một cách công bằng và đúng luật trên cơ sở tài sản hiện có của con nợ cũng là một yêu cầu cho sự hình thành của thiết chế quản lý tài sản.

Pháp luật của mỗi nước trên thế giới có những quy định khác nhau về chủ thể quản lý tài sản phá sản. Tuy nhiên, khái quát lại có thể thấy có hai mô hình chủ thể phổ biến là mô hình chủ thể quản lý tài sản là những cá nhân (Tín thác viên theo Luật Phá sản Hoa Kỳ, Quản tài viên theo Luật Phá sản của Thụy Điển và Latvia, Quản trị viên theo Luật Phá sản Nhật Bản và Luật Phá sản Cộng hòa Liên bang Nga v.v...) và mô hình là một thiết chế tập thể. Đồng thời với mỗi mô hình, pháp luật các nước cũng trao cho cho chủ thể này những nhiệm vụ, quyền hạn rộng hẹp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù của mỗi nước.

Ở nước ta, chủ thể quản lý tài sản được xây dựng theo mô hình tập thể. Đó là Tổ quản lý tài sản và Tổ thanh toán tài sản theo Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993 và Tổ quản lý và thanh lý tài sản theo Luật Phá sản năm 2004.

Khoản 2, Điều 9 Luật Phá sản năm 2004 và khoản 2, Điều 15 Nghị định số 67 ngày 11/7/2006 của Chính phủ quy định Tổ quản lý và thanh lý tài sản bao gồm: Một Chấp hành viên của cơ quan thi hành án làm Tổ trưởng; một cán bộ Tòa án nhân dân có quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, một đại diện chủ nợ là tổ chức, cá nhân có số nợ lớn nhất trong số các chủ nợ.

Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã đặc thù thì thành phần còn có thể là đại diện công đoàn hoặc đại diện người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có nợ lương hoặc các khoản nợ khác đối với người lao động; đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ đối với doanh nghiệp đặc biệt phục vụ an ninh quốc phòng, an ninh, cơ yếu thuộc lĩnh vực do các cơ quan này quản lý; trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm phải có đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm tham gia Tổ quản lý và thanh lý tài sản. Trong trường hợp doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tiền gửi thì phải có một đại diện của tổ chức bảo hiểm tiền gửi tham gia Tổ quản lý và thanh lý tài sản; đại diện Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực về sản phẩm, dịch vụ công ích mà doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên, trực tiếp cung ứng, đại diện của ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà doanh nghiệp, hợp tác xã thường xuyên, trực tiếp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích tại địa bàn tỉnh đó.

Tổ quản lý và thanh lý tài sản có vai trò rất quan trọng trong quá trình quản lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Để có thể hoạt động, Luật Phá sản tại các Điều 40, 43 và Nghị định 67/2006/NĐ-CP đã quy định Tổ quản lý và thanh lý tài sản có những nhiệm vụ, quyền hạn như: Lập bảng kê toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp; giám sát, kiểm tra việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản; đề nghị Thẩm phán quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp; lập danh sách chủ nợ và những người mắc nợ; báo cáo trước Hội nghị chủ nợ về thực trạng của doanh nghiệp; thực hiện việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp v.v...

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam, Tổ quản lý và thanh lý tài sản là một tập thể bao gồm các thành viên đại diện cho chủ thể khác nhau, có chức năng quản lý và xử tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, con nợ, người lao động và của Nhà nước một cách công bằng và đúng luật.

Có thể thấy, mục đích của các nhà làm luật nước ta khi quy định về Tổ quản lý và thanh lý tài sản là vừa nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, tính quyền lực nhà nước (sự tham gia của Chấp hành viên cơ quan thi hành án với vai trò là Tổ trưởng) vừa đảm bảo tính chuyên môn và tính dân chủ rộng rãi (sự tham gia của đông đảo các thành phần thuộc các cơ quan chuyên môn cũng như đại diện công đoàn, người lao động và cả chủ nợ) hướng tới việc thực hiện có hiệu quả nhất thủ tục quản lý và xử lý tài sản phá sản, nâng cao hiệu lực của Luật Phá sản.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phá sản những năm qua cho thấy, những quy định về địa vị pháp lý của Tổ quản lý và thanh lý tài sản còn nhiều bất cập, hạn chế, dẫn tới hiệu quả hoạt động trên thực tế chưa tốt. Cụ thể là:

Thứ nhất: Tổ quản lý và thanh lý tài sản do Thẩm phán ra quyết định thành lập cùng với quyết định mở thủ tục phá sản và chịu trách nhiệm truớc Thẩm phán về hoạt động của mình. Điều này thể hiện Tổ quản lý và thanh lý tài sản có mối quan hệ ràng buộc với Toà án, hoạt động của Tổ nhằm thực hiện các quyết định pháp lý của Thẩm phán, mặt khác, trên cơ sở hoạt động của Tổ, Thẩm phán có được những thông tin, cơ sở cần thiết quyết định các vấn đề pháp lý cơ bản trong quá trình tố tụng phá sản. Tuy nhiên, các thành viên của Tổ không chỉ chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, mà còn chịu sự quản lý của cơ quan nơi công tác. Đặc biệt là Chấp hành viên, người giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động của Tổ, vừa chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, vừa chịu trách nhiệm với Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Điều 21 Nghị định số 67 của Chính phủ quy định: “Tổ trưởng Tổ quản lý và thanh lý tài sản vẫn sinh hoạt chuyên môn tại cơ quan thi hành án và chịu trách nhiệm chuyên môn trước thủ trưởng cơ quan thi hành án, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản trước Thẩm phán”.

Như vậy, dù là một chủ thể trong quá trình giải quyết việc phá sản nhưng Tổ quản lý và thanh lý tài sản mang tính chất hỗn hợp với các thành viên kiêm nhiệm. Việc quy định địa vị pháp lý không rõ ràng đối với chủ thể này đã gây ra những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của Tổ. Cùng với điều đó, thẩm quyền quản lý, sự phối hợp hoạt động giữa Tổ trưởng và các thành viên không được quy định cụ thể, rõ ràng dẫn tới nhiều trường hợp các thành viên của Tổ tham gia một cách tuỳ tiện, tự phát, làm chậm trễ tiến độ giải quyết công việc. Điều 20 Nghị định số 67 quy định phiên họp của Tổ quản lý và thanh lý tài sản chỉ được tiến hành khi có sự tham gia của ít nhất 2/3 tổng số thành viên. Nhiều truờng hợp các cơ quan không cử người tham gia, hoặc khi họp Tổ, cán bộ được cử tham gia lại phải thực hiện nhiệm vụ khác của cơ quan nên không tham gia được và việc họp Tổ có thể bị hoãn nhiều lần.

Thứ hai: Từ việc xác định địa vị pháp lý không rõ ràng của Tổ quản lý và thanh lý tài sản đã kéo theo hàng loạt các quy định không rõ ràng, cụ thể khiến cho hoạt động của Tổ càng thêm vướng mắc. Theo quy định tại khoản 6, Điều 20 Nghị định 67/2006/NĐ-CP thì Tổ trưởng Tổ quản lý và thanh lý tài sản có quyền sử dụng con dấu của Tòa án trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động của Tổ. Trên thực tế, nhiều mâu thuẫn, tranh cãi nảy sinh bởi Chấp hành viên là chức danh tư pháp, được sử dụng dấu quốc huy và dấu chức danh của cơ quan thi hành án, đồng thời chữ ký của Chấp hành viên chỉ được bảo chứng tại cơ quan thi hành án, vậy Chấp hành viên sử dụng con dấu của Tòa án sẽ không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn; nhiều trường hợp tranh luận để thống nhất việc sử dụng con dấu mất nhiều thời gian, làm chậm trễ thủ tục giải quyết phá sản. Mặt khác, quy định này cũng không nêu rõ loại văn bản nào sẽ đóng dấu Tòa án và văn bản nào được đóng dấu của cơ quan thi hành án.

Việc quản lý hồ sơ phá sản cũng là vấn đề vướng mắc. Khoản 4 Điều 2 Nghị định 67/2006/NĐ-CP quy định sổ sách liên quan đến hoạt động của Tổ quản lý và thanh lý tài sản được lưu giữ tại cơ quan thi hành án và Tòa án do Tổ trưởng Tổ quản lý và thanh lý tài sản quản lý. Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản và Tổ quản lý và thanh lý tài sản giải thể thì hồ sơ liên quan đến hoạt động của Tổ được lưu giữ tại Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Quy định như vậy là không rõ ràng, dẫn đến khó xác định loại nào do Tòa án quản lý, loại nào do cơ quan thi hành án quản lý.

Ngoài ra, đó là sự không tương xứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, giữa trách nhiệm với quyền năng và các điều kiện khác của Tổ trưởng và các thành viên trong quá trình hoạt động. Nhiều hoạt động mang tính kinh tế - kỹ thuật nằm ngoài khả năng của Tổ với đặc điểm là các cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm. Trong khi đó, pháp luật lại quy định nhiều trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại trong hàng loạt các hoạt động đó. Điều 32 Nghị định số 67/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Chấp hành viên và thành viên Tổ quản lý và thanh lý tài sản trong các trường hợp: “Lập bảng kê tài sản không đúng tình hình thực tế; lập danh sách chủ nợ, người mắc nợ sai sự thật; không phát hiện và không đề nghị Thẩm phán ra quyết định thu hồi lại tài sản đã bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Phá sản”. Điều này gây tâm lý e ngại, làm giảm tính chủ động, tích cực trong hoạt động của các thành viên.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, hiệu lực thi hành của Luật Phá sản còn rất thấp và nguyên nhân chính bắt nguồn từ sự không hợp lý trong các quy định của Luật, trong đó có các quy định về Tổ quản lý và thanh lý tài sản. Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nâng cao hiệu lực để Luật Phá sản thực sự trở thành công cụ tin cậy để doanh nghiệp và các chủ thể khác bảo vệ được quyền lợi của mình một cách hữu hiệu nhất.

Trong phạm vi bài viết này tác giả xin kiến nghị một số vấn đề về Tổ quản lý và thanh lý tài sản như sau:

Một là: Trong thời gian trước mắt, chúng ta cần hoàn thiện hơn nữa Quy chế pháp lý về chủ thể này, xác định rõ vị trí, chức năng và trao cho họ những nhiệm vụ quyền hạn cụ thể, tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để họ có thể hoàn thành tốt vai trò của mình. Đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ giải quyết việc phá sản của các thành viên Tổ quản lý và thanh lý tài sản. Trong một số hoạt động mang tính kinh tế - kỹ thuật cần cho phép Tổ được thuê chuyên gia, họ là những người có chuyên môn, hành nghề một cách độc lập, khách quan. Đây là các chuyên gia về pháp luật, kế toán - tài chính, kinh doanh, am hiểu thực tế các doanh nghiệp, mặt khác, điều này cũng tăng cường tính thống nhất trong hoạt động của Tổ quản lý và thanh lý tài sản, giảm tải cho Thẩm phán Tòa án. Do đó, việc quản lý, xử lý tài sản sẽ được thực hiện nhanh chóng, chính xác, kịp thời, hợp lý bảo toàn và xử lý tốt tài sản của doanh nghiệp phá sản.

Hai là: Về lâu dài, cần xây dựng mô hình chủ thể là những chuyên gia quản lý tài sản phá sản chuyên nghiệp để thay thế Tổ quản lý và thanh lý tài sản cho phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời với việc chấp nhận mô hình này, chúng ta cần có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc và chế độ làm việc của chủ thể này; ngoài ra cần trao cho họ những quyền năng rộng rãi hơn trong quá trình quản lý tài sản phá sản, đặc biệt là quyền được can dự vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Về tên gọi, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của nước ngoài, quy định đó có thể là những Quản tài viên, Quản trị viên hoặc Tín thác viên v.v... cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần xây dựng một cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ của một người quản lý tài sản trong tất cả các vụ phá sản và được đại diện của một cơ quan đại diện chủ nợ (Hội nghị chủ nợ) hỗ trợ. Hiện nay ở nước ta, đã có các công ty mua bán nợ và các tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nhà nước và một số công ty quản lý tài sản của các ngân hàng thương mại. Để giúp việc tổ chức lại và phá sản doanh nghiệp cũng như thanh lý tài sản phá sản, các công ty quản lý nợ cần được tham gia vào các Hội nghị chủ nợ trong quá trình giải quyết phá sản. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các chuyên gia của các công ty quản lý nợ cũng cần có tư vấn quốc tế giúp đỡ và tương lai các công ty này, nên chăng mở rộng phạm vi hoạt động thành các công ty quản lý tài sản tư nhân độc lập, có năng lực, với các chuyên gia được đào tạo cơ bản.

Như vậy, vấn đề chủ thể quản lý tài sản là một vấn đề quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật phá sản nước ta. Việc hoàn thiện này bắt nguồn từ thực tiễn thi hành Luật Phá sản, yêu cầu và điều kiện của nền kinh tế- xã hội, đồng thời phải đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật về phá sản nói riêng và hệ thống pháp luật quốc gia nói chung.