Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Gần 24.000 doanh nghiệp thành lập trong khó khăn

Mặc dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua vẫn có khoảng 23,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập. Đặc biệt, đã có 8,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động.


Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ (diễn ra chiều ngày 26/4/2013).

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã có khoảng 23,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 123,38 nghìn tỷ đồng; đặc biệt, đã có 8,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động.

Tính chung 4 tháng đầu năm ước tính tạo việc làm cho khoảng 495 nghìn lao động, đạt 30,9% kế hoạch.

Thông báo một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013, diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, nhìn chung, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Ví dụ như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua. So với tháng 12/2012, CPI tháng 4/2013 tăng 2,41%, cũng là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua.

Lãi suất huy động VND cũng giữ ở mức ổn định và có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định; thanh khoản các ngân hàng thương mại được cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao; xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người mất việc làm, gia đình có công với cách mạng được quan tâm…


Sản xuất trong nước gia tăng.

Theo báo cáo tình hình kinh tế -xã hội tháng 4 và 4 tháng năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Điện thoại di động tăng 22,7%, thép cán tăng 21,7%, xe máy tăng 16,6%, bia tăng 14,9%, đường kính tăng 14,4%, điện sản xuất tăng 8,8%, đặc biệt là sản phẩm phân Ure tăng tới 83,3%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2013 ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,2 tỷ USD, tăng 18%.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xu hướng nhập siêu tăng lên trong 2 tháng gần đây là tín hiệu tốt, cho thấy nhập khẩu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đang có chiều hướng tăng lên, đáp ứng sự gia tăng xuất khẩu và nhu cầu mở rộng sản xuất trong nước.

Tuy nhập khẩu tăng nhưng các mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm lại giảm so với cùng kỳ 2012 như linh kiện và phụ tùng ô tô, linh kiện xe máy; ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ trở xuống và xe máy.

Cụ thể, linh kiện phụ tùng ô tô giảm 2,4%, linh kiện phụ tùng xe máy giảm 29,6%. Kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên dưới 9 chỗ ước giảm 14,3% về lượng và 21% về trị giá; kim ngạch nhập khẩu xe máy ước giảm 33,6% về lượng và 10,1% về trị giá.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 4 tháng đầu năm, ước thực hiện đạt 3,75 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt khoảng 8,22 tỷ USD, tăng 17%.


Những trọng tâm cần giải quyết

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã đưa ra một số trọng tâm để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Theo đó: Kiên trì nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra, tiếp tục thực hiện những giải pháp trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và các Nghị quyết, chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhiệm vụ hàng đầu của các Bộ trưởng là ban hành cơ chế, chính sách phù hợp. Yêu cầu từng Bộ trưởng phải khẩn trương cụ thể hóa những chủ trương thành các cơ chế chính sách cụ thể, đồng thời chỉ đạo triển khai quyết liệt.

Kinh tế vĩ mô tuy có bước chuyển biến tích cực nhưng không được chủ quan, phải tăng cường hơn nữa. Trước hết tập trung kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền (M2), đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng và rải đều ra các tháng còn lại trong năm. Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần thì xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mức chênh lệch hợp lý so với lãi suất huy động và tăng cường kiểm tra việc thực hiện. Tiếp tục giữ ổn định tỉ giá, tăng dự trữ ngoại hối.

Kiên quyết bảo đảm kế hoạch thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước. Trước mắt, đối với những nhiệm vụ chi quan trọng, nếu có khó khăn sẽ xem xét áp dụng các biện pháp như tạm ứng, cho vay. Đồng thời phải tăng cường thực hiện tiết kiệm chi, nhất là chi hội họp, tiếp khách, đi nước ngoài...

Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư từ các nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước, vốn ODA, FDI. Đối với những công trình cấp bách sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, có thể xem xét cho ứng trước vốn. Rà soát lại các dự án ODA, bảo đảm vốn đối ứng và triển khai hiệu quả. Đổi mới môi trường kinh doanh mạnh hơn nữa để tạo điều kiện thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Đối với những dự án có khả năng thu hút các nguồn vốn xã hội, cần tập trung chỉ đạo, làm tốt khâu chuẩn bị dự án đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai.

Tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Đối với tái cơ cấu đầu tư công cần tiếp tục rà soát để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sớm công bố kế hoạch đầu tư trung hạn để các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai. Tập trung thực hiện các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, đẩy mạnh cổ phần hóa, xem xét việc bán bớt một phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thị trường lớn để có thêm vốn đầu tư cho những công trình, dự án cần thiết.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhất là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý.

Quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị thiên tai... Chú trọng thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; xây dựng nông thôn mới; phát triển giáo dục; chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu gia cầm, thực phẩm...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Tăng cường phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là xử lý những vụ việc tồn đọng, kéo dài; Triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất trí trình Quốc hội sửa đổi điều 170 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, cho phép doanh nghiệp chưa đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp; trường hợp điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy định tại Giấy phép đầu tư doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm điều chỉnh.