Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Gần 8.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, chiều 29/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nêu ra nhiều tín hiệu đáng mừng tình hình kinh tế - xã hội trong quý đầu tiên của năm 2013.

Thành công trong quý đầu tiên của năm 2013

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, Người phát ngôn của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thông tin một số nội dung họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, diễn ra cùng ngày.

Theo đó, đánh giá chung tình hình kinh tế - xã hội, trong quý I/2013, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/1/2013 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ và đã đạt được những kết quả tích cực.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, có thể thấy, hiện lạm phát đã được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp. So với tháng 12/2012 tăng 2,39%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. (chu kỳ năm 2012 tăng 2,25%; năm 2011 là 6,12%; năm 2010 là 4,12%).

Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng GDP quý I/2013 cao hơn cùng kỳ năm trước, ước tăng 4,89%.





Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định; thanh khoản các ngân hàng thương mại cải thiện đáng kể; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao (đạt hơn 12 tuần nhập khẩu); thị trường vàng từng bước đi vào hoạt động ổn định.

Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tháng 3 ước đạt 11 tỷ USD, tăng 53,9% so với tháng trước;quý I/2013 ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước, từ chỗ chỉ tăng 3,1% trong cả năm 2012, sang quý I/2013 đã tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt tăng 25,6%.

Kim ngạch nhập nhẩu quý I năm nay ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 17%; đáng chú ý, nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh tăng khá; Quý I/2013 đã có xuất siêu, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước (đạt khoảng 481 triệu USD).

Trong điều kiện khó khăn của thế giới, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam (FDI) vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trong quý I/2013, vốn đăng ký ước đạt trên 6 tỷ USD, tăng 63,6%.

Đặc biệt, trong quý I năm nay, đã có gần 7,65 nghìn trong số 13 nghìn doanh nghiệp (khoảng gần 60%) tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã quay trở lại hoạt động.

Tiếp tục hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhưng không nhiều, số doanh nghiệp mới lâm vào khó khăn vẫn còn rất lớn. Lãi suất cho vay đã giảm nhẹ nhưng còn ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chậm được giải quyết…

Thông báo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2013, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ: Chính phủ tiếp tục kiên trì mục tiêu tổng quát, tăng trưởng cao hơn và lạm phát thấp hơn năm trước.

Chỉnh phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện môi trường đầu tư theo hướng ổn định và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; huy động các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế; nhất quán thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng giảm, cần tiếp tục hạ lãi suất tín dụng. Bên cạnh đó, rà soát các quy định, đơn giản các điều kiện vay vốn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản..