Trang

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Tiểu thương bị tăng thuế khoán

Từ đầu tháng 1-2011, tiền hoa chi tại nhiều chợ đã tăng 40-100%, do vậy nếu thuế tăng thêm đến 20% theo các tiểu thương sẽ là gánh nặng rất lớn vì tình hình kinh doanh thời gian gần đây ế ẩm.
Vật giá tăng nên thuế tăng
Cuối tháng 12-2010, tổ trưởng các ngành hàng chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) nhận được thông báo tăng tiền hoa chi từ ban quản lý chợ. Theo đó phí hoa chi tính trên mỗi mét vuông của các ngành hàng đều tăng mạnh, trung bình từ 40-150% so với năm 2010.
Cụ thể ngành vải sợi, mùng mền tăng 50% lên 150.000 đồng/m2, ngành quần áo may sẵn tăng 45% lên 130.000 đồng/m2, hàng đường, đậu từ 70.000 đồng/m2 lên 100.000 đồng/m2. Cá biệt những mặt hàng mà tiền hoa chi thấp như trái cây, thịt, cá, trứng có mức tăng từ 75-100%.
Chị K., tổ trưởng ngành hàng tạp phẩm chợ Tân Định, cho biết tiểu thương còn chưa hết “choáng” vì mức tăng tiền hoa chi thì mới đây ban quản lý chợ đã họp với tổ trưởng các ngành hàng thông báo từ năm 2011 cơ quan thuế sẽ điều chỉnh mức thuế khoán hằng tháng, mức tăng dự kiến 20%.
Nửa tháng nữa tiểu thương mới nhận được giấy báo từ cơ quan thuế nhưng ban quản lý chợ “thông báo trước để các tiểu thương chuẩn bị tinh thần, tránh tình trạng khiếu nại như từng xảy ra hai năm trước”. Các tiểu thương cũng được cho biết tiền thuế tăng nghĩa là cơ quan thuế phải tăng doanh thu khoán lên mức tương ứng. Lý do phải tăng tiền hoa chi và thuế là do vật giá tăng nên các loại phí, thuế phải tăng theo.
Anh T., kinh doanh tại chợ Hà Tôn Quyền (quận 5), cho biết mới đây ban quản lý chợ tăng tiền hoa chi lên 50.000 đồng/ngày, trong khi trước kia chỉ 20.000 đồng/ngày. Ông Võ Văn Hòa, chủ tịch công đoàn chợ Hà Tôn Quyền, cho biết việc tăng tiền hoa chi với những hộ kinh doanh vãng lai nhằm công bằng với những hộ kinh doanh thường xuyên. Mức 50.000 đồng/ngày bao gồm cả phí quản lý chợ, phí môi trường, thuế...
Bản thân các hộ kinh doanh thường xuyên cũng phải tăng tiền hoa chi thêm khoảng 6% so với trước. Ngoài tiền hoa chi, ban quản lý chợ cũng được cơ quan thuế phổ biến trước sẽ tăng thuế từ đầu năm 2011, với khu vực chợ sắt dự kiến mức tăng khoảng 80%, nâng mức thuế trung bình phải nộp hằng tháng từ 570.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng/hộ. Với khu chợ thực phẩm, cơ quan thuế đang tính toán mức tăng cho hợp lý. Ông Hòa cũng cho biết ngày 10-1 ban quản lý chợ sẽ mời cơ quan thuế đến phổ biến cho các tiểu thương.
Cô A., tổ trưởng ngành hàng quần áo may sẵn chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), cho biết tiền hoa chi đã tăng khoảng 40% so với mức cũ. Còn tiền thuế thì đến nay chưa thấy thông báo.

Thiếu thuyết phục

Bà Phan Hồng Ngọc, trưởng ban quản lý chợ Tân Định, thừa nhận năm 2011 Chi cục Thuế quận 1 có điều chỉnh mức thuế khoán với các hộ kinh doanh tại chợ Tân Định nhưng mức tăng không nhiều, chỉ từ 10-15% tùy ngành hàng. Tăng cao nhất là ở một số ngành hàng như vải sợi, mùng mền, quần áo may sẵn... Theo bà Ngọc, tình hình chung hiện nay các loại giá cả đều tăng nên cơ quan quản lý cũng phải điều chỉnh mức thu hoa chi. Việc tăng thuế từ đầu năm 2011 bà Ngọc đã thông báo đến tổ trưởng các ngành hàng để về phổ biến lại với các hộ kinh doanh.
Ông Đặng Khắc Phúc, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1, cho biết với những hộ khoán ổn định thì cơ quan thuế sẽ căn cứ trên tờ khai để tính thuế. Các hộ này sẽ tự khai, tự tính mức thuế phải nộp. Mặt bằng giá cả đều tăng do vậy thuế không thể không điều chỉnh theo.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hộ kinh doanh cho biết thực chất cơ quan thuế dựa theo mức khoán thuế để điều tiết doanh thu. Do vậy doanh thu cơ quan thuế đưa ra chưa phản ánh được chính xác hoạt động kinh doanh.
Trước đây cơ quan thuế từng đưa ra mức khoán 180 triệu đồng/tháng với một số hộ kinh doanh vải, tức 6 triệu đồng/ngày, đồng thời cử cán bộ thuế đến ghi lại doanh thu. Sau khi ghi nhận thực tế, cơ quan thuế phải điều chỉnh xuống mức 4 triệu đồng/ngày. Nhưng thực tế nhiều hộ không thể đạt được mức doanh thu này dù vào thời điểm giáp tết.
Chị N., chủ một sạp vải cửa chính chợ Tân Định, cho biết hiện đóng thuế giá trị gia tăng ở mức 1,2 triệu đồng/tháng, do được giảm trừ gia cảnh cho một người phụ thuộc nên thuế thu nhập cá nhân mỗi quý khoảng 700.000 đồng. Tính bình quân cả thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân hằng tháng chị phải nộp gần 1,5 triệu đồng.
Nay nếu tăng thêm 20% nghĩa là hàng tháng phải nộp khoảng 1,8 triệu đồng, tính luôn mức tăng tiền hoa chi con số này tăng lên 2 triệu đồng/tháng. Lật cuốn sổ thu chi, chị H. - chủ một sạp vải - cho biết từ sáng đến 14g mới bán được 3-4 món, cộng cả vốn lẫn lãi được vài trăm nghìn. “Nếu bán đắt hàng thì tăng thuế không nói làm gì, nhưng kinh doanh thời gian gần đây rất ế ẩm” - chị nói.
Tuy nhiên, một số đơn vị cho biết chỉ tiêu thuế lại không giảm, do vậy cơ quan thuế địa phương buộc phải nâng doanh thu lên cao để đạt chỉ tiêu được giao, đồng thời thu được thuế thu nhập cá nhân. Nếu giữ doanh thu quá thấp, cơ quan thuế sẽ không thể đạt được chỉ tiêu thu thuế, đồng thời khó thu được thuế thu nhập cá nhân do quy định mới các hộ này được giảm trừ gia cảnh.
Theo một thống kê của Cục Thuế TP.HCM, vào giữa năm 2009 trên địa bàn TP.HCM có 126.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng chỉ 12.000 hộ (chiếm 9,5%) có thu nhập hằng tháng từ 11 triệu đồng trở lên, nghĩa là sau khi được giảm trừ cho bản thân và hai người phụ thuộc còn thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân  từ 4 triệu đồng. Đến nay số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 250.000 hộ.