Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Thực phẩm chức năng “lộng hành” thị trường thuốc

Thực phẩm chức năng có mặt ở Việt Nam trên dưới 10 năm và tại Nghệ An từ năm 2008. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thực phẩm chức năng trong phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay hành lang pháp lý để quản lý sản phẩm này chưa rõ ràng. “Kẽ hở” trên đã giúp nhiều công ty thổi phồng tác dụng của thực phẩm chức năng thành thần dược, chữa được cả bệnh nan y.

Gặp chúng tôi tại một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Du, Thành phố Vinh, chị Phạm Thị Minh, phường Vinh Tân cho biết, mình đang tìm mua TPCN hỗ trợ  điều trị bệnh ung thư cho bố. Một hộp TPCN như vậy được bán với giá 350.000 đồng, gồm 60 viên nhưng chỉ dùng đủ trong 15 ngày và theo giấy hướng dẫn sử dụng phải uống liền trong 6 tháng mới có tác dụng. Tính ra, để thấy được công dụng của loại TPCN này, chị Minh phải bỏ ra tới 4,2 triệu đồng. Chị Minh cho biết thêm: Nghe tivi và mọi người vẫn bảo loại này có thể ngăn ngừa, phòng chống và chữa trị ung thư, hơn nữa đến nhà thuốc cũng được tư vấn như thế nên tôi quyết định mua thôi.”
Tràn lan các loại TPCN được bày bán trên thị trường
Phần lớn người dân vẫn hiểu TPCN như một loại “thần dược”, trị bách bệnh. Vì thế, hiện nay có khá đông người đến các hiệu thuốc tìm mua các loại TPCN nhằm để “phát triển trí não, tăng thông minh”, “Chống còi xương”, “Tăng cường miễn dịch trên đường hô hấp cho con”, “Giải độc rượu, bảo vệ gan cho chồng”… rồi các sản phẩm làm đẹp cho chị em như giảm béo, eo thon… Tuy nhiên, trong thực tế, sản phẩm một đằng, quảng cáo một nẻo và hầu hết quảng cáo quá công dụng. Bên cạnh đó, hiện tượng kinh doanh đa cấp, lôi kéo nhiều người, thành phần tham gia đã tạo ra những kênh phân phối bát nháo, thậm chí lừa đảo. Nhiều thực phẩm chức năng đã bị thổi phồng khiến người tiêu dùng ngộ nhận là thuốc. Anh Nguyễn Văn Quang ở Thanh Chương cho biết: Tôi bị bệnh tiểu đường nghe mọi người nói dùng TPCN tốt lắm, ra hiệu thuốc được dược sỹ tư vấn mua loại “Giảo cổ lam” về dùng, tác dụng đâu không thấy mà lại thấy chướng bụng khó tiêu, dùng thử được mấy bữa rồi cũng quăng cả hộp ra đấy.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá của các loại TPCN đang được bày bán tại hiệu thuốc trên địa bàn TP Vinh hiện nay không hề rẻ chút nào: Loại ít tiền cũng trên 50.000 đồng/hộp, loại giá cao thì xấp xỉ 1 triệu đồng/hộp, như loại “Đông trùng hạ thảo” được quảng cáo là tăng cường sinh lực cho nam giới. Hay loại vừa tiền như CALSABA, giá nhập vào là 120.000 đồng/hộp, bán ra 132.000 đồng, SARBOKIDS được bán với giá 160.000 đồng/hộp. Giá cả đắt đỏ thế, nhưng lại được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, sản phẩm được ưa chuộng hơn cả là TPCN giảm cân từ đồ uống cho tới trà, cà phê hay sữa. Khi được hỏi, chủ một hiệu thuốc gần chợ Vinh, xin được giấu tên cho biết, hiệu thuốc của mình hiện có bán trên 40 sản phẩm chức phẩm chức năng các loại. Chị cho biết: Tôi nghe nói các loại TPCN này đều đã được Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép nên việc chúng tôi bán là hợp pháp. Các công ty, nhà phân phối các thực phẩm chức năng đều có chế độ khuyến mãi, hậu mãi rất tốt, mua 10 tặng 1 hoặc tích điểm đổi quà nên tôi nhập vào để bán, giá cao nhưng lại bán rất chạy, còn chất lượng hay không là do nhà sản xuất chứ chúng tôi làm sao biết được.

Tại Việt Nam, đến nay đã có 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó nhập khẩu chiếm 40%. Và chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng. Ở Nghệ An, TPCN xuất hiện muộn hơn - khoảng từ  năm 2008 đến nay nhưng cũng nhanh chóng phổ biến, phát triển với hàng nghìn loại khác nhau. Đến nay, cũng như cả nước, bên cạnh một số chế phẩm có chất lượng thì trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều chế phẩm có chất lượng thấp, không an toàn cho người sử dụng. Cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều loại thực phẩm chức năng giảm cân giả. Điều nguy hại là nhiều sản phẩm còn chứa chất Sibutramine - hoạt chất gây ức chế thần kinh trung ương, làm người sử dụng có cảm giác no, không muốn ăn. Nguy hiểm hơn, hoạt chất này còn gây khiến người sử dụng mất ngủ, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giãn mạch.

Ông Phạm Hưng Củng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: Lợi dụng tâm lý nhiều người tiêu dùng, một số công ty kinh doanh, sản xuất mặt hàng này đã thổi phồng công dụng. TPCN không có quy chuẩn kỹ thuật, khi sử dụng vào không những không có tác dụng như người ta nói mà còn có thể gây hại. Ví dụ như loại dùng thải nước ra ngoài thì nó sẽ đẩy nước ra quá nhiều làm mất nước, mất điện giải, rối loạn môi trường dung dịch, môi trường nước trong cơ thể. Người dân cần cẩn trọng trong việc chọn mua, sử dụng TPCN; phải xem được tính năng tác dụng của sản phẩm ấy, nó có phù hợp với như cầu của mình hay không để tránh lãng phí tiền của, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng không đúng mục đích.

Yếu tố tiêu cực, có hại của TPCN đe dọa người tiêu dùng còn đến từ việc các quy định về luật, nghị định và văn bản dưới luật liên quan đến thực phẩm chức năng và quảng cáo thực phẩm còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ. Trong khi đó, TPCN chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng và các phép thử đối với các thành phần. Vì vậy, các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm này đã và đang lợi dụng những “kẽ hở” này để ghi nhãn, mác không rõ ràng; trốn lậu thuế; lạm dụng việc công bố công dụng, hiệu quả của thực phẩm chức năng, coi đó như là thần dược chữa bệnh hiệu quả, kể cả những bệnh nan y như: ung thư, HIV/AIDS. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thừa nhận: Hiện công tác quản lý các sản phẩm chức  năng còn gặp khó khăn bởi tỉnh ta chỉ là một mắt xích trong chuỗi tiêu thụ TPCN; Khi có một sản phẩm TPCN đã được các cấp ngành cấp trên cho phép sản xuất, kinh doanh thì không có lý do gì để ngăn cản, ngăn cấm…

Thực phẩm chức năng là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, để làm tốt công tác quản lý TPCN cũng như để người dân hiểu đúng, sử dụng đúng TPCN, thì cần có sự vào cuộc của các cấp các ngành. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng cho biết: Ngành y tế chỉ có thể kiếm tra, ngăn chặn các sản phẩm giả, nhập lậu cũng như yêu cấp các y bác sỹ, hệ thống y tế cơ sở không kê TPCN vào đơn thuốc – theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, không giới thiệu, tham gia vào các đoàn mạo danh khám chữa bệnh để bán máy móc, các loại thuốc hay TPCN.

TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. TPCN cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, đã đến lúc cơ quan chức năng phải nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp về quản lý cũng như hướng dẫn cách dùng thực phẩm chức năng để người tiêu dùng nhận thức đúng được tác dụng, tầm quan trọng của loại hàng hóa đặc thù này, từ đó tránh cảnh “tiền mất, tật mang”.Topiclaw is the registed brand of Panamax JSC