Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Quận 4 triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy trong mùa mưa năm 2013

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy trong mùa mưa bão; chủ động dự báo kịp thời tình hình và đề ra các biện pháp phòng tránh sát với tình hình thực tế, giảm thiểu tối đa số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trong mùa mưa bão - đó là những nội dung chính của Hội nghị “Tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy mùa mưa năm 2013” vừa được Ủy ban nhân dân quận 4 triển khai.


Từ đầu năm đến nay thời tiết nắng nóng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, sản xuất mà còn gây ra nhiều vụ cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Mùa mưa sắp đến, có thể cải thiện thời tiết nóng bức, khô hanh… tuy nhiên nguy cơ cháy vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, không phụ thuộc thời tiết nắng hay mưa. Thời điểm mùa mưa bão, triều cường, lốc xoáy diễn biến khó lường, nguy cơ chập điện đường càng cao, sự cố về điện trong sinh hoạt, sản xuất càng nhiều. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do chập điện, sét đánh và vi phạm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Để chủ động phòng cháy và chữa cháy trong mùa mưa, ngày 07/5/2013 Ủy ban nhân dân quận 4 đã triển khai đến các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, tổ chức đoàn thể, Ủy ban nhân dân 15 phường các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy mùa mưa năm 2013.




Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 4, Trưởng Ban chỉ đạo PCCC quận 4, Hội nghị đã tiến hành sơ kết đánh giá kết quả công tác phòng cháy và chữa cháy lễ, tết và mùa khô năm 2013, đồng thời đề ra các giải pháp, biện pháp tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy trong mùa mưa năm 2013, cụ thể:

Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng như quần chúng nhân dân phải thường xuyên, kịp thời nắm bắt những thông tin đại chúng trong mùa mưa bão để có phương án đề phòng khi có bão lũ xảy ra kịp thời ứng phó. Thông báo đến nhân dân chú ý đề phòng để tránh xảy ra tai nạn điện giật khi mưa to gió lớn, ngập úng như: cháy, nổ ở đường dây điện, trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, rò điện, nước tràn vào trạm điện…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy, tăng cường xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy.

Tổng kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Chú trọng đối với các cơ sở trọng điểm, tập trung đông người; các kho hàng, cơ sở tập trung nhiều hàng hóa có nguy cơ cháy, nổ cao. Rà soát các cơ quan, đơn vị, cơ sở có sử dụng và chứa các chất nguy hiểm dễ cháy, nổ hoặc có khả năng tự bắt cháy do gặp nước hoặc hơi ẩm ướt, cần kiểm tra thường xuyên việc bảo quản, sử dụng hóa chất. Khi nhập, sử dụng các loại hóa chất có khả năng dễ gây cháy, nổ cần có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Các cơ sở sản xuất sắp xếp hàng hóa phải gọn gàng theo từng chủng loại, đảm bảo khoảng cách an toàn với các thiết bị điện, nguồn sinh lửa, nguồn sinh nhiệt,...

Tuyệt đối không được sử dụng điện ngoài mạng điện đã được thiết kế ban đầu, không được câu mắc trong nhà ra ngoài sử dụng mục đích khác, sử dụng các thiết bị điện phải để nơi khô ráo. Đồng thời phải lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: cầu dao, cầu chì, aptomat,...

Các cơ sở mua bán xăng dầu, các công trình có lắp đặt hệ thống thu lôi, chống sét phải đo điện trở nối đất đúng theo các thông số kỹ thuật cho phép để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa mưa bão, đề phòng khi có giông tố, sấm sét xảy ra.

Đối với các khu dân cư, hộ gia đình phải gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng gió, lốc xoáy làm đổ ngã, kiểm tra lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà tránh gió, lốc xoáy làm đứt rơi xuống gây tai nạn, chạm chập gây cháy.

Tổ chức kiểm tra toàn bộ mạng lưới điện trong quận, hành lang lưới điện cao áp, có biện pháp xử lý, khắc phục những khu vực có lưới điện lâu ngày, cũ, dây dẫn không đảm bảo an toàn có nguy cơ chập điện gây nên cháy, nổ. Vận động nhân dân thường xuyên tự kiểm tra, xử lý các tồn tại đường dây hạ thế sau công tơ, hệ thống điện sinh hoạt trong nhà, nâng cao các ổ cắm, bảng điện có khả năng bị ngập,...

Tiến hành chặt tỉa cây cối đề phòng sự cố, tai nạn điện; giải quyết các vụ nhà, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Thường xuyên kiểm tra, giải tỏa việc lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè tạo thuận lợi trong giao thông và thuận tiện cho các phương tiện chữa cháy cơ động nhanh khi có cháy, nổ xảy ra. Đề ra các giải pháp, biện pháp khắc phục, giải tỏa khai thông cống rãnh những khu vực xảy ra triều cường, ngập úng.

Xây dựng và bổ sung kịp thời phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn đối với các cơ sở trọng điểm, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư trên địa bàn quận. Tổ chức thực tập phương án, chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ xảy ra.

Củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng phòng cháy và chữa cháy tại chỗ, tiếp tục tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy thế trận 04 lớp bảo vệ và người đứng đầu các cơ sở, chủ nhà trọ, người thuê trọ, đồng thời phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”.

Chủ động đầu tư kinh phí, trang bị bổ sung phương tiện chữa cháy. Động viên mỗi hộ dân, mỗi tiểu thương trang bị 01 bình chữa cháy xách tay để kịp thời xử lý tại chỗ ngay từ ban đầu.

Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè phối hợp với các đơn vị cải tạo, lắp đặt bổ sung trụ nước chữa cháy đã được xác định ở khu dân cư hẻm sâu, thiếu nước, xe chữa cháy không vào được đồng thời phối hợp tốt với lực lượng chữa cháy trong việc đảm bảo áp lực nước tại khu vực hỏa hoạn phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ – cứu nạn khi có cháy, nổ xảy ra.

Các đơn vị thực hiện nghiêm cơ chế thông tin báo cháy và phối hợp chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra trên địa bàn quận.