Trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Hàng thông quan phải rõ nguồn gốc xuất xứ

Hàng hóa đầy đủ quy cách nhưng không đáp ứng yêu cầu về nhãn hàng hóa vẫn bị từ chối thông quan. Vì vậy để bảo vệ mình cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật pháp, DN nên yêu cầu nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thực hiện ghi nhãn mác, xuất xứ, quy chuẩn đầy đủ lên hàng hóa trước khi xuất khẩu vào Việt Nam để tránh những rắc rối, trở ngại không đáng có khi thông quan.

Khổ vì cái “mác”

Công ty Thương mại Quốc tế Hải Phòng (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian qua công ty có nhập khẩu mặt hàng vải không dệt màu trắng (dạng cuộn) để sản xuất khăn ướt. Lô hàng được mua trực tiếp tại nhà máy bên Trung Quốc và vận chuyển thẳng về Việt Nam. Trên mác cuộn vải có ghi rõ tên hàng, quy cách, trọng lượng, cuộn số và nơi sản xuất “made in China”.

Mặt hàng này nhập về không bán trực tiếp ra thị trường mà phải gia công cắt nhỏ, tẩm ướp, đóng gói bao bì… Nhưng khi kiểm hóa, do sản phẩm trên không thể hiện tên và địa chỉ của nhà sản xuất nên Hải quan Cát Lái (thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã không chấp nhận tờ khai C/O form E và lập biên bản DN vì vi phạm về nhãn hàng hóa theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP (Nghị định 89/CP).


Quy định chặt chẽ về nhãn mác để hạn chế hàng giả, hàng nhái

Một công ty khác chuyên về lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, đồ gia dụng tại TP. Hồ Chí Minh cũng “vướng” vào trường hợp tương tự về nhãn mác với mặt hàng dầu hào nhập khẩu từ Trung Quốc số lượng lớn. Trên sản phẩm có ghi nhãn tiếng Việt đầy đủ, ngày sản xuất in trên nắp chai, hạn sử dụng ghi “24 tháng” kể từ ngày sản xuất bằng tiếng Trung.

Khi kiểm tra hàng, Hải quan đã tạm thời chưa thông quan và lập biên bản về vi phạm nhãn hàng hóa do nội dung nhãn mác không rõ ràng. Ngoài ra, hạn sử dụng phải ghi cụ thể đến ngày/ tháng/ năm nào mới đúng quy cách, chứ không được ghi chung chung về thời hạn sử dụng trong vòng bao nhiêu tháng sau khi sản xuất…

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua rất nhiều hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu của không ít DN trên địa bàn đã bị “ách” lại, chậm thông quan do vi phạm quy định về nhãn mác hàng hóa theo Nghị định 89/CP, dù cho những mặt hàng này vẫn đảm bảo đầy đủ về mặt quy cách, phẩm chất.

Vấn đề này không chỉ trực tiếp gây thiệt hại cho DN do phải tăng chi phí, tăng thuế do không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được hưởng ưu đãi thuế quan hoặc có nguy cơ phải gửi trả lại cho đối tác do không thể nhập vào Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN…

Liệu có chuyện… làm khó?

Theo quy định tại Nghị định 89/CP hàng hoá khi lưu thông tại Việt Nam hoặc hàng hoá xuất, nhập khẩu bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa đầy đủ, để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn và sử dụng, góp phần hạn chế hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng… Chính vì vậy, khi Hải quan các cửa khẩu từ chối, tạm thời chưa thông quan cho những lô hàng không có nhãn mác hoặc có nhãn mác nhưng thông tin, số liệu không rõ ràng, cụ thể… là đúng với quy định hiện hành.

Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những trường hợp DN xuất nhập khẩu thắc mắc, cho rằng Hải quan gây khó dễ khi hàng hóa đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, quy cách nhưng chỉ vì nhãn mác không đầy đủ hoặc thậm chí việc ghi thông tin, số liệu của nước xuất khẩu không trùng khớp với quy định của nhà nhập khẩu mà bị từ chối thông quan, tăng thuế suất sẽ gây trở ngại, khó khăn cho hoạt động DN.

Về vấn đề này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua lượng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, quy cách, chất lượng hàng hóa, trôi nổi trên thị trường nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

Vì vậy, Hải quan cần làm chặt chẽ từ “cửa ngõ” đầu tiên trước khi hàng hóa được đưa vào trong nước, lưu thông rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, đối với những lô hàng, sản phẩm có dán nhãn chính nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không thể hiện đầy đủ thông tin theo quy định, như hàm lượng, định lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản… Hải quan TP. Hồ Chí Minh chấp nhận bổ sung nhãn phụ nhằm tạo điều kiện thông quan nhanh cho DN, nhưng với điều kiện nhãn chính phải thể hiện đủ tên, nhãn hiệu hàng hóa nhập khẩu phù hợp với bộ chứng từ.

Còn những hàng hóa quy định ngày sản xuất, hạn sử dụng, bắt buộc phải ghi trên nhãn chính, không chấp nhận sử dụng nhãn phụ. Về xuất xứ hàng hóa, tất cả hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện xuất xứ trên sản phẩm. Ngoại trừ một số mặt hàng ở dạng rời, nhiên liệu, nguyên liệu, vật tư là linh kiện điện tử, hàng hóa tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì, vật liệu xây dựng, sắt thép không thể ghi nhãn mác và xuất xứ trên hàng hóa… Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh sẽ căn cứ bộ chứng từ để xác định hành trình cảng đi (cảng xếp hàng) để xác định xuất xứ của lô hàng.

Ngay cả với những lô hàng nhập khẩu sử dụng C/O để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, nếu không thỏa mãn các nội dung trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ từ chối không cho hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

Mặc dù Hải quan đã có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề dán nhãn hàng hóa, nhưng vẫn có những trường hợp “vướng” như trên. Chính vì vậy, để bảo vệ mình cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật pháp, DN nên yêu cầu nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa thực hiện ghi nhãn mác, xuất xứ, quy chuẩn đầy đủ lên hàng hóa trước khi xuất khẩu vào Việt Nam để tránh những rắc rối, trở ngại không đáng có khi thông quan.