Thành lập một công ty không phải là việc đơn giản. Ở đây chúng tôi muốn chia sẻ với bạn ba vấn đề lớn nhất mà bạn nên biết. Đó là phải xác định và đảm bảo được đủ ba nguồn vốn: vốn ý tưởng, vốn cơ sở vật chất và vốn quản lý.
Ba loại vốn này là ba thành phần chính trong việc thành lập công ty của bạn. Có một số chuyên gia khi đánh giá khả năng thành công của môt doanh nghiệp, họ dựa vào ba tiêu chí: mục đích đúng, con người đúng và hành động đúng. Tôi cho rằng mục đích nằm trong phần vốn ý tưởng, con người nằm trong phần vốn công nghệ, và hành động nằm trong phần vốn quản lý.
Ba loại vốn này sẽ bao trùm hết các góc độ mà một người nào đó đặt ra, khi nhận định, đánh giá về một doanh nghiệp.
Một bạn trẻ ở Việt Nam hoàn toàn có một ý tưởng mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Nhưng để mang ý tưởng đó ra thành lập công ty và biến ý tưởng đó thành hiện thực ở Việt Nam là điều vô cùng khó khăn. Cụ thể như sau:
1. Ý tưởng
Vốn ý tưởng cho việc thành lập công ty là gì?Những câu hỏi đơn giản nhất khi thành lập công ty là Công ty của bạn sẽ kinh doanh cái gì? Lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ? Sản xuất mặt hàng gì? Cung cấp loại hình dịch vụ gì? Kinh doanh như thế nào?
Khó khăn về ý tưởng thành lập công ty?
Khó khăn về ý tưởng không phải là thiếu ý tưởng mà là không biết được mức độ khả thi của nó. Chưa làm sao mà biết được? Chả phải có ối người thành công từ những ý tưởng bất khả thi đấy sao. Cũng không thiếu người thất bại từ những ý tưởng ban đầu độc đáo, cuốn hút, hoành tráng…
Như trên tôi đã nói, mỗi người chúng ta thường có vài ý tưởng. Đây không phải là điều quá khó khăn. Nếu cho mỗi người vài chục phút, tôi tin mỗi người chúng ta đều có thể gạch ra vài ý tưởng. Có những người còn có rất nhiều hơn, họ đóng gói ý tưởng của mình lại mang đi bán.
Một vấn đề khác trong khó khăn ý tưởng là không lên được bản kế hoạch chi tiết. Và tôi thấy nên chia sẻ bản kế hoạch trên với mọi người. Khi nhận được sự chia sẻ, tôi tin rằng phần lớn những người nhận được sự chia sẻ sẽ rất vui, và họ có thể có những ý kiến nhận xét quý báu. Và sẽ là rất tốt nếu bạn nhận được nhiều ý kiến khen ngợi, đồng tình… Hơn nữa, biết đâu người ta có thể góp vốn vào cùng làm.
2. Cơ sở vật chất.
Khi thành lập công ty và đưa vào hoạt động, bạn phải có vốn cơ sở vật chất đủ vững. Vốn này bao gồm hệ thống văn phòng làm việc, nhà xưởng nếu có, kho bãi và trang thiết bị cần thiết cho những nơi này; dây chuyền công nghệ sản xuất và tất nhiên không thể thiếu đội ngũ nhân lực vận hành.
Các khó khăn bạn sẽ gặp phải.
Thành lập công ty thì phải có văn phòng. Đây là yêu cầu bắt buộc của các chi cục thuế. Bạn sẽ phải gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn bất động sản, nói nôm na thì thành lập công ty thì phải có nơi nào đó để làm trụ sở, không có thì phải đi thuê.
Hiện nay, ở các thành phố lớn của Việt Nam, bất động sản có thể nói là giá ở trên trời. Tất nhiên, cùng với đó là giá thuê văn phòng không hề rẻ. Muốn thuê được một địa điểm, có thể gọi là tạm được, để đặt làm văn phòng thì giá vào khoảng vài trục triệu đồng/tháng. Đó là một điều quá khó khăn đối với các bạn trẻ khi muốn thành lập công ty.
Để triển khai các ý tưởng bạn cần thành lập công ty. Dưới mức độ công ty thì bài viết này xin phép được không bàn. Cách đây vài năm, thành lập công ty là việc khá khó khăn vì cần phải hoàn thiện nhiều loại giấy tờ thủ tục. Nhưng nay đã dễ dàng hơn nhiều vì số lượng thủ tục được giảm bớt. Ngoài ra, bây giờ xuất hiện nhiều các công ty luật chuyên lo việc này với giá khá mềm.
Khó khăn tiếp đến là nguồn nhân lực trình độ thấp. Chúng ta đều biết việc đào tạo trong nhà trường Việt Nam hiện tại khá xa thực tế. Rất ít học sinh ra trường có thể viết được một văn bản đúng quy phạm. Tôi đã đã đọc khá nhiều đồ án tốt nghiệp của các bạn trẻ, lỗi trình bày khá nhiều, còn lỗi chính tả là điều phổ biến. Tôi tin rằng các thày giáo không đọc, vì họ vẫn được những điểm số rất cao.
Điều này dẫn đến việc khi nhận một nhân viên mới ra trường vào làm việc, các doanh nghiệp phải đào tạo rất nhiều, thậm chí đào tạo lại từ đầu. Và tất nhiên chúng ta đều hiểu, việc đào tạo này gây tổn thất về thời gian và tiền bạc cho các doanh nghiệp. Bây giờ người ta coi đó như là việc đương nhiên. Họ phải chịu những hậu quả của nền giáo dục, vì đã cho ra đời những sản phẩm thiếu hoàn thiện. Giờ đây ít còn thấy các doanh nghiệp kêu nữa, chắc bởi họ đã kêu mãi rồi mà mọi việc vẫn không thay đổi.
3. Quản lý điều hành.
Vốn quản lý điều hành là gì?Là toàn bộ việc quản lý, điều hành, đốn đốc, kiểm tra, thuyết phục, truyền lửa, thỏa hiệp đối với những người lao động trong doanh nghiệp của bạn. Bạn quản lý có tốt không? Truyền lửa có tốt không? Nhân viên của bạn có làm việc hết mình không? Có sáng tạo không? Hiệu suất hoạt động có cao không?… Nếu bạn không có thời gian, hoặc không làm được thì hãy đi thuê. Hãy để công việc cho những chuyên gia!
Quản lý con người là một công việc khó khăn. Người mới vào làm việc, người làm việc lâu năm, người phải mắng xối xả, kẻ chỉ cần nói bâng quơ… Có thể nói đó là một nghệ thuật! Một số người có khả năng thiên bẩm trong việc này, một số người khác phải học.
Cũng như một nhà nước văn minh – nhà nước pháp chế – lấy pháp luật là chế tài cho mọi hoạt động xã hội – một công ty văn minh cần có nội quy và quy chế. Nội quy là văn bản quy định những hoạt động diễn ra hàng ngày như: giờ đến, giờ về, đeo thẻ, ăn mặc… Còn quy chế là văn bản quy định cơ cấu tổ chức của một công ty, nhiệm vụ của các bộ phận và cách thức để các bộ phận ấy tương tác với nhau.
Quy chế và nội quy định cần phải được lập ra để điều tiết mọi hoạt động của công ty. Quan trọng là hai văn bản này phải là “to” nhất – theo cách gọi dân gian – chứ không phải ông giám đốc. Tức là giám đốc cũng phải đi làm đúng giờ.
Người phương Tây có cách quản lý rất văn minh mà Việt Nam nên học, đó là coi nhân viên là đối tác. Kỳ thực thì họ vẫn là đối tác! Họ rằng buộc với người quản lý bằng hợp đồng lao động, có bên A và bên B. Nhưng có một số nhà quản lý lại coi nhân viên như là kẻ làm thuê, thậm chí tệ hơn như giúp việc. Khi chọn hình thức quản lý như vậy, thì chính những “ông chủ” với là những người chịu nhiều thiệt hại. Thứ nhất, họ không kích lệ được sự sáng tạo của nhân viên, bởi đã làm thuê là kẻ chỉ đâu đánh đấy. Thứ hai là họ chịu hoàn toàn phần rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình.
Và khi ấy chính những người quản lý với là những người đang bị nhân viên của mình bóc lột. Họ luôn phải nghĩ ra các công việc để sai bảo người làm. Họ luôn phải đưa ra các ý tưởng mới và phải chịu hoàn toàn sự rủi ro từ chúng. Thay vì thế, khi coi các nhân viên là đối tác, họ tôn trọng nhân viên và luôn nhắc nhở nhân viên phải chủ động trong công việc của mình. Họ còn có thể yêu cầu nhân viên phải chịu một phần trách nhiệm nào đó khi gây ra thiệt hại cho công ty. Vì đối tác là cùng nhau hành động, cùng nhau chịu sự rủi ro.
+Nguyễn Quang Hiển ghi chép !