Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Nhãn hiệu sản phẩm - kinh nghiệm đăng ký thành công

Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực, nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã quan tâm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Tuy nhiên, do thiếu thông tin về các điều khoản, quy định khiến một số tổ chức, cá nhân không thể đăng ký nhãn hiệu.

Dán nhãn sản phẩm tại Công ty Thành Công. Ảnh: TRỊNH LAN
Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thành Công, cụm công nghiệp Dĩnh Trì, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) sản xuất cầu lông và các dụng cụ thể thao là doanh nghiệp làm tốt việc bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Sản phẩm làm ra được Công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá trong nước, đồng thời thường xuyên quảng bá hình ảnh trên các phương tiện thông tin và tại hội chợ thương mại.

Đến nay, Công ty có hàng trăm đại lý ở khắp các tỉnh, TP trong nước. Bình quân mỗi ngày, Công ty sản xuất khoảng 2 vạn quả cầu lông, tạo việc làm ổn định cho 400 lao động với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty đang làm các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm tại các nước EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản để tiến tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp làm được như Công ty Thành Công không nhiều. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đến cuối năm 2012, Bắc Giang mới có 669 đơn đề nghị bảo hộ nhãn hiệu, trong đó  363 nhãn hiệu được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, số nhãn hiệu được cấp lại tập trung vào một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Minh Trung; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tây Tây Đô; Công ty TNHH điện tử Tuấn Mai. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ và thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nên đơn đề nghị bảo hộ bị từ chối.

Ví như đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu "HƯƠNG SƠN" cho sản phẩm "gạo, bún, miến, bột mỳ, bột sắn, mỳ ống" của bà Nguyễn Thị Trang, xóm Chè, xã Tân Sỏi (Yên Thế) nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ bị loại ngay từ khi tiếp nhận. Lý do là lô gô không có khả năng phân biệt theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó, nhãn hiệu có phần chữ "HƯƠNG SƠN" là một địa danh tại tỉnh Hà Tĩnh. Nếu nhãn hiệu này được bảo hộ tổng thể thì người tiêu dùng dễ nhầm lẫn những sản phẩm mang nhãn hiệu trên có nguồn gốc xuất xứ từ huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh chứ không phải là những sản phẩm của một chủ sở hữu thuộc tỉnh Bắc Giang.

Hay trường hợp đề nghị bảo hộ nhãn hiệu "KAISAN" của Công ty TNHH Việt Thắng (Khu công nghiệp Song Khê, Nội Hoàng). Nhãn hiệu này tương tự về cấu trúc với nhãn hiệu KASAI và KASAI-S của sản phẩm do Công ty Hokko Chemical Industry Co của Nhật Bản.

Từ thực tế trên cho thấy, để đăng ký thành công bảo hộ nhãn hiệu, trước hết, tổ chức hoặc cá nhân cần quan tâm thiết kế nhãn hiệu có khả năng phân biệt. Với nhãn hiệu chữ nên dùng các ký hiệu dễ nhận biết; không nên sử dụng những từ ngữ gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ; không sử dụng tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam cũng như của nước ngoài.

Đối với nhãn hiệu hình thì không nên dùng các hình vẽ, hình ảnh mang tính mô tả chính sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu; không nên dùng các hình ảnh, hình vẽ quá đơn giản hoặc những hình vẽ quá phức tạp gồm nhiều hình ảnh, đường nét, hình vẽ chồng chéo lên nhau; không sử dụng các hình quốc kỳ, quốc huy của các nước để đăng ký…

Sau khi thiết kế nhãn hiệu, tổ chức, cá nhân cần khảo sát xem nhãn hiệu mà mình đang đề nghị bảo hộ có trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang còn hiệu lực bảo hộ của các sản phẩm, dịch vụ cùng loại, tương tự nhau hoặc liên quan đến nhau hay không. Để đánh giá điều này, doanh nghiệp có thể đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tư vấn.