Trang

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Tăng vốn điều lệ để làm gì?

Khoảng hai năm trước, các công ty niêm yết có vốn điều lệ (VĐL) từ 1.000 tỷ đồng đã được xem là lớn. Nhưng vào thời điểm hiện nay, số lượng công ty có VĐL 1.000 tỷ đồng đang tăng một cách nhanh chóng. Liệu năng lực kinh doanh của các công ty đó có tăng theo?

Chiếc áo rộng


Công ty cổ phần (CTCP) Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (HOSE: SJS) là công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) với mức giá 100.000 đồng/CP, và là một trong những công ty bất động sản hàng đầu hiện nay. SJS cũng nằm trong nhóm cổ phiếu có sức tăng giá mạnh trên thị trường những năm trước, nhưng lại “lặng sóng” trong năm 2010. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải về việc này, như TTCK diễn biến không thuận lợi, thị trường bất động sản không có nhiều biến động... Nhưng không thể bỏ qua nguyên nhân SJS đã tăng VĐL từ 400 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Chỉ trong một thời gian ngắn, VĐL tăng thêm 150%, cũng đồng nghĩa với lượng cổ phiếu ở ngoài thị trường tăng với tỷ lệ tương ứng đã đẩy NĐT vào trạng thái ngộp, nếu không muốn nói là bội thực. CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (HOSE: PDR) mới niêm yết cuối tháng 7 nhưng VĐL cũng lên đến 1.302 tỷ đồng. Hoặc như CTCK VN Direct (HNX: VND) niêm yết chưa lâu nhưng đã nhanh chóng tăng VĐL lên 1.000 tỷ đồng.

Tuần qua, CTCP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (HOSE: TDC) công bố huỷ bỏ phương án tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, thay vào đó là tăng lên 1.000 tỷ đồng. Tức là nếu phương án này được các cổ đông thông qua thì chỉ trong thời gian ngắn VĐL của TDC sẽ gấp 5 lần VĐL cũ, một tỷ lệ gây choáng. Một cổ phiếu kỳ cựu cỡ như SJS mà còn gặp phản ứng của thị trường khi tăng vốn thì với một CP mới chào sàn hồi đầu tháng 5 như TDC liệu sẽ làm gì để không gặp phải tình trạng “sốc thuốc” tương tự? Xem ra rất khó.

Nhà đầu tư bị động


Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC, nhận định: “Trong thời gian tới đây, chắc chắn những tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK sẽ khắt khe hơn, trong đó có có vấn đề vốn điều lệ. Doanh nghiệp không thể chờ các sở giao dịch chứng khoán ra quy định rồi mới có phương án chạy theo mà phải quan sát trước”. Năm 2009 đã chứng kiến các hàng loạt công ty niêm yết cổ phiếu tại HOSE phải chạy đôn chạy đáo tăng VĐL lên 80 tỷ đồng để được tiếp tục niêm yết tại đây. Một số công ty VĐL không đủ 80 tỷ đồng cũng đã phải chuyển nhà sang HNX. Nhưng cũng cần phải tỉnh táo để nhìn nhận rằng, nếu các cơ quan quản lý có nâng yêu cầu với VĐL của các công ty niêm yết lên thì cũng sẽ chọn một mức phù hợp để không gây khó cho số đông. Thế nên, áp lực tăng vốn để bảo đảm yêu cầu niêm yết nếu có cũng sẽ không lớn.

Ở một góc độ khác, theo Thạc sĩ Đào Trung Kiên, Khoa Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), rất nhiều công ty hiện nay tăng vốn nhưng phương án kinh doanh không rõ ràng, một NĐT cá nhân bình thường, rất khó nhận biết được những điều này. Mà nếu có nhận ra thì việc lên tiếng cũng không đơn giản. Tại nhiều công ty, cổ đông lớn chiếm đại đa số thì cổ đông nhỏ lẻ không khác gì “diễn viên quần chúng”. Nhiều cổ đông chọn phương án bán ra cổ phiếu, “nghỉ chơi” với công ty nhưng nhiều người lại vẫn tiếp tục đặt niềm tin đôi khi có phần mù quáng. Trong thời gian qua, chỉ riêng việc các công ty liên tục tăng vốn cũng đã gây khó cho TTCK. Nếu xảy ra thêm tình trạng công ty này nhìn công ty kia tăng VĐL lên 1.000 tỷ đồng rồi cũng “nóng mắt” tăng theo thì quả thực TTCK không khác gì một nồi cháo loãng.

+Lại Cao Sơn ghi chép !