Trang

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay

Thoáng chốc đã gần 6 năm chặng đường khởi đầu của nền kinh tế Việt Nam sau khi hội nhập vào sân chơi chung của WTO. Đến lúc này chúng ta phải can đảm đối diện với thực tế cái được và cái mất kể từ ngày lên thuyền giương buồn ra biển lớn.

Trước hết cần phải khẳng định nguyên tắc: Bất cứ một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ thì chính phủ trung ương cũng phải hoạch định được kinh tế vĩ mô để định hướng cho sự phát triển của toàn xã hội, tăng thu nhập quốc nội (GDP) phát triển bền vững với việc mở rộng kinh tế đa thành phần, đầu tư giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà xưởng, cơ sở vật chất văn hóa xã hội… Công nghiệp hóa, hiện đại hóa mục đích cuối cùng là chất lượng cuộc sống của nhân dân tăng cao. Để thỏa mãn với những tiêu chí tầm cao này buộc phải quan tâm đặc biệt tới hai vấn đề là nhân lực và tài lực.

Về nhân lực: Việt Nam là một trong những quốc gia đạt chuẩn cao về số lượng cán bộ có bằng cấp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và giáo sư. Với đội ngũ trí thức đông đảo thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội, dường như Việt Nam đang sở hữu một chiếc chìa khóa vạn năng không giới hạn và sẵn sàng mở tung tất cả các loại khóa từ đơn giản đến hiện đại nhất để đi tắt đón đầu tiến tới thành công về khoa học, kỹ thuật, kinh tế. Nhìn bề nổi của nền kinh tế, chúng ta đã đạt được những thành quả nhất định, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh trong những năm 2006-2008 tăng trưởng lũy kế, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất đâu đâu cũng có, đua nhau và chen nhau mọc lên. Điều đó tạo nên hình ảnh một nền kinh tế năng động và phát triển nhanh trong mắt mọi người không chỉ trong nước mà còn lan tỏa sang khu vực và thế giới. Đã không ít những lời khen tặng của các vị được gọi là chuyên gia tầm cỡ quốc tế và chúng ta đã tự hào về điều đó.

Nhưng đến lúc này, đặt giả thiết rằng, nếu không có cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra (bắt đầu từ năm 2008) đến nay, thì chúng ta khó có thể hình dung nền kinh tế chúng ta đang ở đâu và đi về đâu. Hậu quả sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cả cách điều hành kinh tế của chúng ta đã và đang dẫn đến tình trạng: hàng vạn doanh nghiệp nhà nước và dân doanh thua lỗ, phá sản, đóng cửa, sản phẩm làm ra kém chất lượng, đắp chiếu tồn kho… Đành rằng không có quốc gia nào có thể thoát khỏi vòng xoáy của kinh tế thế giới, nhưng một câu hỏi đặt ra gây nhức nhối cho tất cả những người yêu đất nước, có trách nhiệm với đất nước là: "Một đất nước có số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhiều người có học hàm, học vị như thế tại sao không giảm tối đa những hệ lụy xấu về kinh tế"?


Về tài lực: Có một quy luật khách quan là muốn xây nhà cao cửa rộng thì điều tiên quyết phải có tiềm lực tài chính. Nếu không có nhiều tiềm lực tài chính thì phải thực sự có nhiều hiền tài để nuôi dưỡng cái ít phát triển bền vững thành cái nhiều. Nhìn về chính sách tiền tệ nói chung, trong những năm qua Việt Nam không có gì đột phá, mà luôn xử lý các vấn đề nhạy cảm của xã hội theo tư duy be bờ chặn lũ và giật gấu vá vai. Ngân hàng Trung ương đặt ra các quy định, quy chế có điều kiện để bắt buộc hệ thống ngân hàng thuộc nhà nước quản lý và ngân hàng thương mại cổ phần thực thi nhưng khi thực hiện đã bị biến tướng, mạnh ai nấy làm vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm, từ đó dẫn đến nợ xấu vượt ngưỡng 67% và khả năng năm 2013 còn tăng cao hơn.

Trên thị trường tiền tệ, lãi suất và lạm phát bị đẩy lên hai con số, các ngân hàng thu lợi nhuận lớn vượt xa các ngân hàng khu vực và thế giới. Vì thế mà nhiều ông chủ ngân hàng trên thế giới cũng thèm khát và muốn chuyển tiền vào Việt Nam cho các ngân hàng Việt Nam vay mượn để kiếm lời. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước đua nhau làm dự án nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ… đất; và nếu doanh nghiệp không biết làm dự án thì nhân viên ngân hàng làm giúp để cho vay tiền dù lãi suất cắt cổ. Không những thế, bản thân các ngân hàng cũng thành lập công ty con, công ty cháu để đầu tư, để huy động tiền nhằm kiếm lãi lớn. Kinh doanh tiền đạt mức siêu lợi nhuận dẫn đến các tập đoàn, tổng công ty tay kìm, tay búa, làm đường, xây cầu cũng thành lập ngân hàng, thành lập tổ chức tín dụng nhằm bao sân kiếm lời. Tiền ở đâu mà nhiều thế? Tiền của Nhà nước, tiền trong xã hội, tiền nhàn rỗi trong dân và tiền từ nước ngoài đổ vào Việt Nam khi thị trường mở, khi vào WTO. Thế rồi, biệt thự, trang trại mọc lên từ thành thị đến nông thôn và vắt vẻo lưng đồi là những căn biệt thự tráng lệ nhưng không có người sinh sống; còn xe hơi xịn, hàng xa xỉ… ở Việt Nam là bình thường. Tiền của xã hội đổ ào ào vào túi một nhóm người được gọi là… "đại gia". Rồi kim loại quý nhiễu loạn trên thị trường - cụ thể là vàng. Có một hình ảnh nổi lên lúc này là có một thế giới phẳng nhưng kinh tế đang bị cong.




Khi Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang cố gắng phá bỏ thế độc quyền doanh nghiệp để cộng đồng xã hội và thị trường minh bạch thì lại có việc cho phép doanh nghiệp độc quyền vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia. Vàng là một trong những kim loại quý, là sản phẩm của trời đất không tái tạo, được luân chuyển toàn cầu qua kênh xuất nhập khẩu rồi nấu chảy theo cân lượng tùy từng quốc gia và tùy thị trường tiêu thụ mà công ty được phép kinh doanh đặt tên, Nhà nước chỉ nên kiểm soát về chất lượng và trọng lượng nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Tại sao và lý do gì Ngân hàng Nhà nước cho phép SJC làm thương hiệu duy nhất để các thương hiệu khác phải chết? Hệ quả là gần một năm rồi giá vàng thương hiệu SJC cao hơn thế giới từ 3 triệu đồng trở lên và vàng thật, vàng giả, vàng nhái gây tình trạng bát nháo thị trường vàng.




Giảm lãi suất, kiềm chế lạm phát nhằm bình ổn xã hội và kinh tế là chính sách đúng của Đảng và Nhà nước ta, nhưng khi thực thi những chủ trương này thì người ta sử dụng công cụ siết chặt tín dụng, dòng máu tiền tệ đang lưu thông trong cơ thể nền kinh tế như những chiếc xe buộc phải dừng lại bằng cả phanh chân, phanh tay và phong tỏa hộp chuyển động. Hậu quả là có xe thì bị nổ, có xe cháy, có xe hư hỏng nặng, số còn lại hoạt động được nhưng cầm chừng và lúc chạy lúc không. Sản phẩm đã được làm ra nhưng trên thị trường không có người mua vì thiếu tiền, còn sản phẩm đang trên dây chuyền sản xuất thì thiếu nguyên liệu đầu vào vì hết tiền…




Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn cực kỳ quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội thì bị thổi giá, làm giá trong tay một nhóm người dẫn đến giá trị thực một cổ phiều chỉ đáng mười ngàn đồng biến thành trăm ngàn đồng, vài trăm ngàn đồng, rồi tình hình bị nhiễu loạn, từ vài trăm ngàn đồng rớt xuống còn vài ngàn đồng. Nhà đầu tư từ nhỏ đến lớn đều lâm vào bạo bệnh rồi chết, thị trường đổ vỡ, niềm tin vào thị trường chứng khoán bị mất, mà để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư không phải dễ. Nhưng đâu đó vẫn có người khen tặng và ban thưởng "Chứng khoán Việt Nam đầy tiềm năng và hấp dẫn". Lời hay ý đẹp nhưng vừa vô thưởng vô phạt, vừa quá mức lãng mạn dù là nhiều người thích nghe nhưng nghe thì vẫn nghe mà cứ quay lưng xa rời thị trường này.




Vậy tài sản của nền kinh tế Việt Nam và đối pháp để phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm này là gì?




Nền chính trị ở nước ta rất ổn định. Đất nước Việt Nam đang phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng cầm quyền đầy trí tuệ, đã được rèn luyện trong lửa cách mạng gần một thế kỷ, đã làm nên những chiến công hiển hách với mục tiêu độc lập tự do, dân giàu nước mạnh. Mới đây Bộ Chính trị, Chính phủ đã thấy và nhận trách nhiệm về những khuyết điểm, những quyết sách sai trong thời gian qua. Đây là động lực mạnh lấy lại niềm tin trong nhân dân và cộng đồng. Từ đây chỉ còn lại vấn đề Nhà nước có quyết liệt thực hiện hay không, có lựa chọn được hiền tài theo quy luật phát triển tự nhiên của xã hội và đẩy lùi tham nhũng đang tàn phá cơ thể hay không? Chúng ta tin rằng, Đảng, Chính phủ, Quốc hội sẽ làm được.




Nguồn nhân lực nước ta hiện tại rất trẻ, năng động, chịu khó học hỏi và khát vọng làm giàu. Nhưng phát huy nguồn nhân lực đó bằng cách nào? Trước hết cần phân luồng định hướng cụ thể, điều tiết vĩ mô và vi mô trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề thật tốt. Phải kiên quyết xóa bỏ liên thông, liên kết tràn lan và dễ dãi trong giáo dục, dạy nghề, nhằm xác định sức học, khả năng, năng lực của mỗi thành viên trong xã hội để họ biết sẽ học được gì và làm được gì trong hiện tại và tương lai. Hãy triệt tiêu ngay "tư duy con anh, con tôi và con các cụ…" hòng nâng đỡ nhau theo kiểu "có đi có lại" trong hệ thống công quyền. Đất nước là của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta luôn vì dân. Vậy thì ai cũng có quyền cống hiến và phục vụ chỉ cần người ấy có đủ năng lực và tình yêu đất nước. Như vậy ta mới tìm, sàng lọc được đội ngũ kế thừa ít nhất hai thế hệ với đủ khả năng hoạch định chính sách dài hơi cho nền kinh tế.




Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Chúng ta đã chấp nhận sự đào thải của kinh tế thị trường thì hãy để quy luật thị trường quyết định, Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ quá nhiều tập đoàn kinh tế mà chỉ cần nắm giữ một số tập đoàn mạnh liên quan đến an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Các tập đoàn và tổng công ty khác do Nhà nước nắm giữ hoặc chi phối hãy triệt để cổ phần hóa để thực hiện đúng nghĩa kinh tế thị trường, để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, minh bạch. Nhà nước quản lý kinh tế phải bằng chính sách hợp lý, cởi mở và minh bạch. Có như vậy kinh tế mới phát triển và phát triển bền vững. Các tập đoàn tư nhân, các ngân hàng thương mại được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nếu không đủ khả năng tồn tại thì hãy để cho nó phá sản. Nhà nước không được lấy tiền ngân sách để cứu họ.




Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành phải hoạch định chính sách dài hơi, chuẩn mực trong việc điều hành kinh tế đất nước. Nhiệm vụ đặt ra cho các cơ chế, chế tài đầu tư trong nước và nước ngoài phải nhất quán, nếu có thay đổi phải theo hướng tích cực và có lợi cho doanh nghiệp, tạo sự kích cầu cho các nguồn vốn vào Việt Nam. Cụ thể hóa vấn đề này bằng chính sách thu thuế ổn định và luôn có kế sách giảm dần thuế thu, tăng dần nhà đầu tư vừa và nhỏ, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư vốn lớn tạo công nghệ nguồn, công nghệ cao… Muốn đạt được mục đích trên, Ngân hàng Nhà nước phải theo sát thực tế diễn biến trong nước và thế giới, bơm và hút dòng tiền linh hoạt hợp lý, tránh vì mục đích giảm lạm phát mà siết chặt dòng tiền đang lưu thông. Đối với những mặt hàng nhạy cảm như đô la Mỹ, vàng, vốn có sức tác động nhanh và mạnh đến kinh tế và niềm tin của cộng đồng xã hội, phải căn cứ theo đúng quy luật của thị trường mà điều tiết.


Lưu ý là các giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành để điều tiết, ổn định tình hình kinh tế đang suy thoái và tiếp tục lao dốc, đang trái ngược với các báo cáo khả quan, các con số ấn tượng mà nhiều cơ quan chức năng tổng kết. Điều này cho thấy chúng ta phải thẳng thắn và khách quan nhìn nhận thực trạng kinh tế hiện nay để có giải pháp hữu hiệu chứ không nên chỉ làm vui lòng nhau bằng những báo cáo, con số có âm thanh nhưng thiếu sức sống.


Một vài nét khái quát nêu trên theo thiển kiến của người viết nhằm mục đích nhận diện về thực trạng của nền kinh tế và việc điều hành của các cơ quan quản lý kinh tế Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy chắc không tránh khỏi phiến diện, nhưng cũng rất mong các cơ quan chức năng tham khảo.

Nguyễn Hoài Bắc - Báo Hà Nội Mới