Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề phức tạp và tốt hơn hết bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn của luật sư sở hữu trí tuệ có thẩm quyền. Điều quan trọng là bạn phải luôn ghi nhớ rằng trách nhiệm xác định và hành động chống lại việc làm nhái hoặc vi phạm một kiểu dáng công nghiệp thuộc về chủ sở hữu kiểu dáng. Nói cách khác, bạn có trách nhiệm giám sát việc sử dụng kiểu dáng của mình trên thị trường, xác định những người làm nhái hoặc làm giả kiểu dáng và quyết định bằng cách nào và khi nào thì hành động chống lại họ.
Thông thường, luật sư sở hữu trí tuệ là người có thể cung cấp cho bạn các thông tin về khả năng tiến hành các hành vi pháp lý chống lại những người làm nhái, vi phạm và làm giả kiểu dáng công nghiệp tại nước của bạn và đưa ra cho bạn những lời khuyên về cách giải quyết tranh chấp.
Khi bạn tin chắc là đã có vi phạm kiểu dáng của mình, bước đầu tiên bạn có thể lựa chọn là gửi một “bức thư cảnh cáo và yêu cầu chấm dứt vi phạm” thông báo với người vi phạm về xung đột có thể xảy ra giữa kiểu dáng của họ với quyền độc quyền của bạn. Bạn nên nhờ tới sự giúp đỡ của luật sư để soạn thảo bức thư này. Nếu việc vi phạm vẫn tiếp tục, có thể bạn cần phải khởi kiện người vi phạm đó.
Nếu bạn biết địa điểm vi phạm, bạn có thể thực hiện đột nhập bất ngờ bằng cách xin lệnh khám xét và tịch thu (thường là của toà án có thẩm quyền hoặc cảnh sát) để tiến hành một cuộc khám xét mà không phải báo trước cho công ty/cá nhân bị phát hiện có hành vi vi phạm.
Để ngăn chặn việc nhập khẩu hàng vi phạm, ở nhiều nước có quy định về các biện pháp biên giới mà chủ sở hữu kiểu dáng có thể sử dụng thông qua các cơ quan hải quan quốc gia.
Quy tắc chung là nếu xác định được vi phạm, bạn nên nhờ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp.
Bảo hộ quốc tế kiểu dáng
Năm 2001, mười hãng có số đơn lớn nhất nộp theo hệ thống La Hay về nộp lưu quốc tế kiểu dáng công nghiệp là Swatch, Interior, Sony Overseas, Hemès, Daimaler Chryler, Nokia, Villeroy + Boch A.G, Moulinex, Philips Electronics và Salomon. Trong năm này (2001), hãng có số đơn nộp lớn nhất là tập đoàn Swatch đã nộp 103 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp thông qua Hệ thống La Hay. Kiểu dáng khác biệt của đồng hồ của hãng được coi là yếu tố quyết định tác động đến sự lựa chọn của khách hàng đối với sản phẩm của hãng. Về vấn đề này, những công ty như tập đoàn Swatch đã đầu tư nhiều tiền của và kỹ năng chuyên môn để phát triển thành công kiểu dáng của mình và đảm bảo quyền độc quyền của họ trong việc khai thác kiểu dáng bằng việc đăng ký ở nhiều nước.
+Nguyễn Quang Hiển ghi chép !
Trên blog là ý kiến riêng tư của các luật sư Topiclaw, có thể ban tư vấn có ý kiến khác.
Liên hệ tới Topiclaw để được tư vấn trực tiếp
Liên hệ tới Topiclaw để được tư vấn trực tiếp