Trang

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Quyền tác giả với các... bài thuốc gia truyền!

Đó là một trong các ý kiến của một số đại biểu TP.HCM trong ngày làm việc thứ hai với Thường trực Uỷ ban về Các Vấn đề Xã hội của Quốc hội quanh Dự thảo Luật Dược.

"Thoáng hơn trong việc kết hợp Đông - Tây y nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước để người dân có điều kiện tiếp cận và việc chữa trị có hiệu quả hơn." - dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị - "Nên công nhận một số thuốc Đông y pha Tây y, được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, chứng nhận cho lưu hành". Theo ông Cẩm, hiện nay có một số mặt hàng thuốc dạng này nhập khẩu từ nước ngoài, kiểm nghiệm lâm sàng rất tốt nhưng do chưa có quy định cụ thể nên trở thành... thuốc cấm.

Về phía điều trị, phó chủ tịch Hội Y Dược học TP.HCM Nguyễn Liễn có ý kiến: Trong điều trị một số trường hợp, nên cho dùng thuốc tây để có kết quả cao hơn. Ví dụ: Đối với phương pháp thuỷ châm, sau khi điều trị, bệnh nhân dễ suy nhược nên sẽ hiệu quả hơn nếu sử dụng tăng cường các thuốc B1, B6, B12. Trước đây, do luật chưa cho phép nên có nơi vẫn sử dụng... chui.



Trong lĩnh vực đào tạo, BS Trương Thìn, viện Trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM cho rằng cần

Trong lĩnh vực đào tạo, BS Trương Thìn, viện Trưởng Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM cho rằng cần khuyến khích đào tạo một đội ngũ dược sĩ giỏi cả Đông y lẫn Tây y. Theo ông, hiện nay các dược sĩ đang có xu hướng tách biệt: hoặc là giỏi Đông y, hoặc là giỏi về Tây y. Nếu kết hợp được cả hai thì sẽ tốt hơn.

Ngoài ý kiến về quản lý việc kết hợp Đông - Tây y, còn có một số ý kiến như tình trạng đông dược phát triển manh mún, không tập trung, không có đầu mối quản lý. Các bài thuốc gia truyền không được kiểm tra và gìn giữ. Tác giả các bài thuốc bảo vệ thành quả của mình nên thường giữ bí mật, dễ dẫn đến bị thất truyền. Vì vậy, ông Trần Khiết, giảng viên Trường Y Dược học Dân tộc Tuệ Tĩnh cho rằng nên tính đến việc công nhận quyền tác giả đối với những bài thuốc gia truyền để người dân được tiếp cận những vốn quý của y học cổ truyền.

Cũng có ý kiến cho rằng cần xem xét lại chi phí đăng ký thuốc đông y, vì trên mười triệu đồng như mức hiện nay là quá lớn đối với một số lương y, khiến họ không "mặn mà" đăng ký mà cứ thế lưu hành. Do đó, thuốc đạt chất lượng và không đạt chất lượng đều không quản lý được. Bên cạnh, nên thay đổi hình thức thuốc, chấp nhận hình thức thuốc con nhộng. Thuốc đông y đang lưu hành chủ yếu là cao đơn, hoàn tán, nếu nhập khẩu thuốc con nhộng sẽ càng rẻ hơn so với mua nguyên vật liệu để bào chế thuốc này...

Các ý kiến khác: Cho mở nhà thuốc đông y đối với nơi khám chữa bệnh để thuận tiện cho người dân. Đề nghị bổ sung quy định trong Luật Dược về trang, thiết bị y tế trong điều trị y học cổ truyền, như máy điện châm, kim châm... Cấm tuyệt đối việc bán mã tiền, thạch tín vì tính chất độc hại của chúng...