Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Thực phẩm chức năng: Không được nhập nhèm là thuốc

TP - Bộ Y tế vừa có công văn gửi đơn vị soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo khẳng định thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không phải là thuốc.

Bộ yêu cầu bổ sung vào dự thảo nghị định câu "Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc" và "Không được quảng cáo mỹ phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".
Chị Hằng, một cán bộ ngân hàng ở Hà Nội nói:
Chị Hằng, một cán bộ ngân hàng ở Hà Nội nói: "Tôi ủng hộ phải xem thực phẩm và các hàng hóa, dịch vụ y tế là hàng hóa đặc biệt, cần được quản lý chặt về nội dung quảng cáo".
Phải đọc to, rõ ràng
Khi quảng cáo mỹ phẩm được phát trên phương tiện truyền thanh, truyền hình, Bộ Y tế còn đề nghị các nội dung chính của mỹ phẩm "phải được đọc to, rõ ràng. Trường hợp hiển thị bằng chữ trên màn hình các nội dung trên thì tốc độ hiển thị phài phù hợp cỡ chữ quảng cáo đủ lớn để đảm bảo rõ ràng, dễ đọc".
Lý do của đề nghị là, theo ông Nguyễn Thamh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh (ATVS) Thực phẩm, Bộ Y tế, bản dự thảo nghị định do Bộ Văn hóa Thể thao&Du lịch (VHTT&DT) chấp bút đưa ra quy định mới khiến tất cả các sản phẩm và dịch vụ y tế hầu như không còn bị kiểm soát nội dung quảng cáo nữa (xem Tiền Phong số 311 ngày 6-11-2012, bài "Sẽ còn loạn quảng cáo thực phẩm chức năng").
Không dùng thầy thuốc giới thiệu thuốc
Công văn số 5719/BYT-PC do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến ký gửi Bộ VHTT&DL - cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định, khẩn thiết đề nghị Bộ VHTT&DL điều chỉnh kiểm soát quảng cáo không chỉ đối với thực phẩm chức năng; kiểm soát quảng cáo nhiều loại hàng hóa và dịch vụ y tế khác nữa.
Chẳng hạn, về thuốc, quan điểm của Bộ Y tế khẳng định qua công văn không phải thuốc nào cũng được phép quảng cáo. Bộ Y tế đề nghị phải đưa vào dự thảo nghị định quy định điều kiện cụ thể các loại thuốc được quảng cáo.
Đó là "thuốc có số đăng ký tại Việt Nam còn hiệu lực, có hoạt chất thuộc danh mục hoạt chất được phép quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình do Bộ Y tế ban hành".
Bộ Y tế còn đề nghị quy định một số hình ảnh cụ thể cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc như "hình ảnh bệnh nhân, sơ đồ tác đụng của thuốc chưa được nghiên cứu, dánh giá", nhất là, phải ghi rõ trong dự thảo nghị định cấm dùng "hình ảnh hoặc tên thầy thuốc để giới thiệu thuốc".
Bộ Y tế còn đề nghị ghi vào nghị định các trách nhiệm cụ thể của Bộ Y tế để trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Đó là trách nhiệm "quản lý nhà nước về quảng cáo thuốc; mỹ phẩm; thực phẩm, phụ gia thực phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; trang thiết bị y tế; sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ trên 24 tháng tuổi và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ trên sáu tháng tuổi; dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh".
Sốt ruột trước sự chậm tiếp thu của Bộ VHTT&DL đối với kiến ghị của Bộ Y tế, mới đây, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến gửi công văn (số 6335/BYT-ATTP) giục đích danh Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, và Văn phòng Chính phủ về duy trì quản lý thực phẩm chức năng.
Công văn một lần nữa khẳng định tính hợp pháp và hợp lý khi kiến nghị phải duy trì quản lý nhà nước đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ y tế, trong đó có thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.