Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Cần tăng cường quản lý thực phẩm chức năng

Hiện nay, trên thị trường Quảng Ninh có rất nhiều loại thực phẩm chức năng (TPCN). Toàn tỉnh có 1 đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN; 285 cơ sở, nhà thuốc và kinh doanh thuốc có bán thực phẩm chức năng và 8 đơn vị đăng ký quảng cáo loại thực phẩm này.

Theo khái niệm, TPCN là loại thực phẩm nằm trong giới hạn giữa thực phẩm thông thường và thuốc. TPCN cung cấp chất dinh dưỡng và trợ giúp phòng chống bệnh tật, tăng cường sức khoẻ cho người sử dụng. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cũng có lưu ý đối với người sử dụng, TPCN không phải là thuốc chữa bệnh. Khác với thuốc chữa bệnh (nhà sản xuất kinh doanh công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng điều trị, phòng bệnh với các công dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng…) TPCN được nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn sức khoẻ, có thể sử dụng lâu dài.
Một nhà thuốc trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long). (Ảnh minh hoạ)
Một nhà thuốc trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Hạ Long). (Ảnh minh hoạ)
Chị Phạm Thị Thuỷ, chủ cửa hàng thuốc tân dược tại khu 3, phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) cho biết, thực phẩm chức năng hiện nay có rất nhiều loại cho nhiều độ tuổi và đối tượng nhưng được người tiêu dùng tìm kiếm và sử dụng nhiều nhất là cho trẻ em chẳng hạn như: hỗ trợ trẻ biếng ăn; tăng chiều cao, thể lực, trí nhớ… Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị Thuỷ cũng như một số chủ cửa hàng tân dược kinh doanh loại mặt hàng này thì phần lớn người kinh doanh và người tiêu dùng đều chỉ biết dựa vào những thông tin quảng cáo ghi trên nhãn mác. Còn thực hư chất lượng thực phẩm có tốt hay không, tốt đến mức nào thì cũng rất khó có thể khẳng định.  

Để bình ổn và bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ người sử dụng, cơ quan quản lý là Chi cục ATVSTP tỉnh cũng đã có rất nhiều hoạt động tăng cường quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh loại mặt hàng này. Theo ông Nguyễn Minh Chung, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường quản lý mặt hàng này bằng cách chia quản lý theo 3 loại hình: Sản xuất và kinh doanh TPCN; kinh doanh TPCN; quảng cáo TPCN. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, kiểm soát, Chi cục đã cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các cơ sở đủ điều kiện. Theo đó, Chi cục đã kiểm tra, giám sát 254 cơ sở kinh doanh TPCN; trong đó, 208 cơ sở kinh doanh tốt, các sản phẩm TPCN có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ nhãn mác; 45 cơ sở vi phạm về điều kiện kinh doanh, sắp xếp không gọn gàng giữa TPCN và thuốc, nhiệt độ bảo quản không phù hợp… các cơ sở này đã được nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời. Chi cục cũng đã lập biên bản đình chỉ hoạt động 1 cơ sở kinh doanh sai hình thức.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài hình thức kinh doanh công khai trên, hiện nay đang tồn tại phương thức kinh doanh đa cấp. Loại hình này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý. Bởi việc tư vấn bán hàng và các mặt hàng TPCN do người bán trực tiếp liên hệ với người mua nên rất khó kiểm soát, không ít người kinh doanh - phân phối đã “thổi phồng” các sản phẩm TPCN như “một loại thần dược” có thể chữa được bách bệnh. Chính sự “nhộn nhạo” này đã gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người bệnh. Nhiều trường hợp người mua thiếu hiểu biết mua TPCN về sử dụng thay thế cho thuốc, điều này rất nguy hiểm. Vì thế, theo ông Chung: “Người tiêu dùng nên trang bị những kiến thức về TPCN để sử dụng một cách hợp lý, tránh lạm dụng thực phẩm chức năng thay thế cho các thực phẩm thông thường hoặc thuốc…”. 

Bên cạnh sự “thông thái” của người tiêu dùng, rất cần cơ quan nhà nước có quy định thật nghiêm đối với các loại TPCN khi lưu hành trên thị trường phải được thử nghiệm lâm sàng cũng như công bố định lượng, các phép thử đối với các loại thảo dược sử dụng để sản xuất TPCN. Có vậy mới tránh được tình trạng các nhà sản xuất đưa thêm các chất cấm sử dụng vào thành phần của TPCN, góp phần đảm bảo quyền lợi và sức khoẻ người tiêu dùng.