Đa số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về dự thảo đồng thời cho rằng cần
ban hành luật. Tuy nhiên, vấn đề HTX có được thành lập công ty, góp vốn,
mua cổ phần hay không vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Chủ
nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn băn khoăn: Các điều 5, 8, 9, 10
của dự thảo luật luôn khẳng định quyền độc lập, tự chủ, tự chịu trách
nhiệm của HTX. Nếu chúng ta không công nhận HTX như một loại hình doanh
nghiệp thì có thể cắt đi quyền thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần,
nhưng khi đã công nhận HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp thì
việc cắt bỏ các quyền này là làm mất quyền tự chủ của HTX. Vì vậy, cần
phải xem xét tính toán kỹ nội dung này.
Phó
Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thống nhất với tờ trình của Chính phủ,
cho rằng nếu cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của
doanh nghiệp khác có thể làm HTX dần xa rời bản chất và mục đích hoạt
động là để phục vụ các thành viên trên cơ sở tài sản chung không chia;
đồng thời tăng thêm rủi ro cho hoạt động của HTX.
Không
nên cho phép HTX thành lập công ty, góp vốn, mua cổ phần của doanh
nghiệp khác để khuyến khích phát triển HTX mang bản chất đích thực, phát
triển vững chắc hơn, tránh được các rủi ro.
Kết
luận vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Quốc hội
đặt cho HTX địa vị pháp lý là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động như
doanh nghiệp nhưng không có nghĩa như doanh nghiệp hoàn toàn. HTX có
những mô hình và phương thức hoạt động khác nhau, tùy theo từng lĩnh vực
cụ thể.
Có thể thiết kế một quy định nguyên
tắc chung cho mọi loại hình HTX và những quy định cho từng loại hình đặc
thù. Nếu áp dụng tất cả các chính sách để hỗ trợ HTX phát triển thì
không đủ lực, do đó, phải hình dung được những nhóm chính sách hỗ trợ
của nhà nước để gắn với từng loại hình HTX ở từng vùng miền cho phù hợp,
lĩnh vực nào hỗ trợ vốn, lĩnh vực nào hỗ trợ cơ chế, đào tạo đội ngũ
quản lý.