Có lần
về quê một người bạn ở Sóc Trăng chơi, tôi đã được bạn giới thiệu về
nghề làm bánh pía gia truyền của gia đình mình. Trông thấy chiếc mộc
xinh xắn bằng gỗ dùng để đóng dấu lên những chiếc bánh sau khi hoàn tất
như là một dấu hiệu riêng của cơ sở, tôi tò mò hỏi và được biết chiếc
mộc ấy là tác phẩm của nghệ nhân Lý Thế Hùng ở TPHCM.
Ông Lý Thế Hùng đang khắc khuôn bánh
Nhẫn nại, kỳ công
Cơ sở khắc dấu của nghệ nhân Lý Thế Hùng tọa lạc tại số 459 Trần Hưng Đạo, P.14, Q.5-TPHCM. Chỉ là một cơ sở nhỏ nhưng gần 40 năm qua, ông đã cho ra đời hàng triệu con dấu, mộc và khuôn bánh phục vụ người dân cả nước. Khi tôi tìm đến thấy ông đang đục nhẹ vào miếng gỗ để tạo đường nét, hoa văn cho mộc bánh. Đôi tay ông uốn lượn theo từng đường cong trên nét vẽ ở mặt gỗ.
Lớp bụi và mùn bay đi để lại chiếc mộc tinh xảo. Lấy vội miếng giấy nhám chà xát bề mặt khuôn và tay cầm, ông giải thích: “Làm như thế để mộc bánh không trầy xước. Nếu không làm kỹ, khi đóng dấu, bánh không đẹp, màu không đồng đều, không bắt mắt”.
Ông Hùng đến với nghề khắc dấu, làm mộc bánh, khuôn bánh bằng gỗ đã gần 40 năm nay. “Ngày xưa con đường này nổi tiếng với nghề khắc dấu, làm mộc bánh bởi khắp khu phố ai cũng làm nghề này. Thế nhưng thời gian đổi thay, nhà nhà chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác nên chỉ còn lại vài người”- giọng ông đượm buồn.
Bí quyết của những con dấu
Lật quyển sổ dày mà trên đó in hàng ngàn con dấu ông từng khắc cho các cơ sở bánh ngọt, bánh pía, bánh bao, bánh tổ trong và ngoài TP như Trương Mỹ Ngọc, Mỹ Ngọc, Công Phát, Nam Phong, Phước Thành, Thanh Liêm (Mỹ Tho), Tân Hưng (Sóc Trăng)... ông tâm sự: Mỗi mộc bánh có kiểu dáng, hoa văn khác nhau, khi thì tròn, khi thì vuông. Những hoa văn được dùng nhiều nhất vẫn là rồng, phụng, mai, lan, cúc, trúc...
Cái tài của người làm khuôn là làm thế nào kết hợp được hoa và con vật vào nhau một cách hài hòa”. Cũng theo ông, muốn mộc bánh đẹp, phải chọn loại gỗ lồng mứt, bằng lăng hoặc giáng hương vì thớ gỗ mịn, không quá cứng, đục không bị bể. Để tránh tình trạng mộc bánh bị teo không đúng kích thước, gỗ sau khi lấy về phải để khô 6 tháng mới đem ra làm con dấu hoặc mộc.
Công đoạn tạo đường nét cho mộc bánh cũng là nghệ thuật. Để mộc khắc lên bánh đồng đều, tránh chỗ đậm, chỗ lợt, người làm khuôn phải tạo hoa văn đồng đều. Ngoài ra, để tên của thương hiệu nổi lên và tạo ấn tượng mạnh với khách hàng, khi khắc, tên cơ sở phải được in đậm ngay chính giữa, họa tiết không thể lồi lõm.
Giữ nghề
Gần 40 năm làm nghề, ông Hùng không nhớ đã cho ra đời bao nhiêu loại con dấu. Ngoài làm mộc bánh, khắc dấu, ông còn làm khuôn bánh in, phục vụ cho các cơ sở sản xuất bánh truyền thống. Hằng tháng, những cơ sở sản xuất đặt hàng khiến ông luôn bận rộn, suốt ngày cầm đục, dao cho ra đời những con dấu còn thơm mùi gỗ.
Ngày nay, những con dấu, mộc được làm bằng đồng hoặc nhựa trên thiết bị hiện đại đã chiếm lĩnh thị trường nhưng những cơ sở sản xuất bánh vẫn chọn mộc và con dấu bằng gỗ của ông.
Một khách hàng quen thuộc của ông từ miền Tây lên đặt hàng cho sản phẩm mới nói với tôi: “Quen xài mộc, khuôn của ổng rồi. Xài mộc gỗ, khi in lên không làm bánh biến dạng. Hoặc khi nhúng vào mực, gỗ sẽ in đậm màu, không làm mực bị nhòe, lem”. Nghe vậy, ông Hùng cười: “Nhờ vậy mà nghề của tôi mới tồn tại. Tuy không phát triển mạnh nhưng tôi vẫn thấy vui vì đã cho đời những sản phẩm có ích”.