Trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Bất hợp lý tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Thực tế, nhiều DN phải nộp thuế cao hơn mức quy định do chi phí hợp lý không được cơ quan thuế khấu trừ. Tình trạng này khiến DN phải tìm đủ mọi cách để lách luật.

Ảnh minh họa

Hội Kế toán TP.HCM là một cơ quan được lập ra bởi những cán bộ lâu năm của ngành thuế, những giáo sư nhiều kinh nghiệm ở các trường Đại học. Qua nhiều năm hoạt động, những lãnh đạo của Hội Kế toán đã chứng kiến quá nhiều bất cập của thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Ông Mai Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM cho biết: “Từ trước tới nay, chúng ta chỉ nhìn thấy thuế suất biểu kiến, còn thuế suất thực tế như thế nào, doanh nghiệp đóng góp bao nhiêu không nhìn thấy được”.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết thêm: “Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bao giờ cũng có một loại chi phí như chi phí tiếp khách, chi phí giao lưu, làm từ thiện xã hội... Những chi phí này khi quyết toán thường bị ngành thuế gạt ra. Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp tự nhiên bị tăng lên”.

Chi phí thực tế của doanh nghiệp không được trừ khiến lợi nhuận sổ sách tăng lên và cuối cùng thuế TNDN phải nộp sẽ tăng. Việc thuế TNDN 25, 23 hay 20% không phải quan trọng nhất mà thu nhập được tính thế nào để chịu thuế mới là điều quan trọng.

Nhiều chi phí không được trừ nên mức thuế doanh nghiệp phải nộp lên tới 40, 50% lợi nhuận thực tế. Chính vì thế, doanh nghiệp phải tìm mọi cách để hợp pháp hoá các chi phí mà thuế không cho trừ.

Hiện nay, một khoản thuế của doanh nghiệp chỉ được thuế cho trừ nếu đáp ứng được 3 điều kiện. Thứ nhất, khoản chi phí phải có thực chi và phải có liên quan đến sản xuất kinh doanh. Thứ 2, khoản chi có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo luật thuế quy định. Điều kiện thứ 3, nếu lọt vào danh sách không bao giờ cho trừ hết dù có thỏa mãn 2 điều kiện đầu cũng không bao giờ được trừ.

Việc quy định chi phí nào được trừ, chi phí nào không cũng nên rõ ràng trong luật để các cấp dễ dàng thực hiện, tránh xảy ra tiêu cực.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Trần Việt Anh cho rằng: “Cơ quan thuế và Nhà nước nên thống nhất trong quy định các khoản trừ thuế hợp lý, không nên cứng nhắc trong vấn đề chứng từ. Điều đó giúp doanh nghiệp không phải đối phó bằng các hóa đơn đầu vào, hay tìm các hợp đồng ma để giải trình cho các chi phí đó”.

Tình trạng doanh nghiệp phải nộp thuế quá nhiều do chi phí thực tế không được trừ rất phổ biến khiến tình trạng lách luật để hạn chế mức thuế phải nộp cũng rất nhiều. Số liệu sai khiến việc phân tích để quản lý, kiểm soát doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn.