Trang

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam tại Thị trường Quốc tế

Trong thời kỳ hội nhập, nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) được coi là tài sản quí giá của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua cũng đã nhận thức được rằng, NHHH là công cụ cạnh tranh cực kỳ quan trọng. Gần đây, hàng loạt các vụ tranh chấp về NHHH giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Việt Nam và giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài là những hồi chuông cảnh báo nguy hiểm cận kề nếu doanh nghiệp Việt Nam không chú trọng đến việc xây dựng và bảo hộ NHHH của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả muốn đề cập đến 3 vấn đề: thứ nhất, hiểu thế nào cho đúng về NHHH; Thứ hai, hoạt động bảo hộ NHHH của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước; Thứ ba, thủ tục đăng ký bảo hộ NHHH theo thoả ước Madrid.

1. Nhãn hiệu hàng hoá là gì?

Điều 785 Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định: “NHHH là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau. NHHH có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc”.

Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới WIPO thì “NHHH là bất kỳ dấu hiệu nào giúp chỉ rõ hàng hoá của một doanh nghiệp và phân biệt hàng hoá của doanh nghiệp với hàng hoá của doanh nghiệp khác”.
Như vậy, NHHH nói chung là dấu hiệu nhằm phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác. 

Các đối tượng bảo hộ sở hữu trí tuệ còn đề cập đến các khái niệm khác bao gồm:
Tên gọi xuất xứ của hàng hoá, Điều 786 Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định: “Tên gọi xuất xứ của hàng hoá là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có các tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó ”.
Điều 14 Nghị định 54/2000/NĐ-CP Việt Nam quy định: 

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh, dùng để chỉ một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, địa phương thuộc một quốc gia; b) Thể hiện trên hàng hoá, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá nhằm chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: a) Là tập hợp chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được; b) có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cũng lĩnh vực kinh doanh.

Tuy nhiên, trong các chương trình phát động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, và các Bộ ngành của Việt Nam thời gian qua đều đề cập đến một khái niệm khác: Thương Hiệu. Trong tất cả các văn bản pháp qui của Việt Nam và thế giới đều không đề cập đến cụm từ Thương hiệu mà chỉ đề cập đến nhãn hiệu thương mại, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại… Vậy thương hiệu là gì?

Câu hỏi này đã làm cho không ít người băn khoăn, cho rằng đây là một khái niệm mới mà không được định nghĩa ở đâu cả.
Theo lời giải thích của Bộ Thương mại thì Thương hiệu không phải là một khái niệm mới là một thuật ngữ phổ biến trong marketing được người ta sử dụng khi đề cập đến: a) nhãn hiệu hàng hoá, b) tên thương mại của tổ chức cá nhân hay c) chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ của hàng hoá. Nếu đc các sách marketing thì chỉ đề cập đến cụm từ Trademark: nhãn hiệu thương mại, Brand: nhãn hiệu mà không có cụm từ tương ứng mang nghĩa thương hiệu như Việt Nam.

Căn cứ vào phần trả lời phỏng vấn của Phó Cục trưởng Cục Sở hữu công nghiệp – Trần Việt Hùng thì thương hiệu là cụm từ dùng để chỉ: a) nhãn hiệu hàng hoá; b) tên gọi xuất xứ của hàng hoá; c) chỉ dẫn địa lý.
Trong bài phát biểu của một bà giám đốc trong chương trình phóng sự của giải thưởng Sao vàng đất Việt lại cho rằng: thương hiệu là sự kết hợp của vùng nguyên liệu, công nghệ, uy tín sản phẩm …

Ở đây tác giả còn chưa kể đến Thương hiệu được dùng mang ý nghĩa là nhãn hiệu chứng nhận như chương trình xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam- Trade Value Inside – do Bộ Thương mại chủ trì.
Trong bài Thương hiệu và Nhãn hiệu của tác giả Doãn Thế Đính đăng trên tạp chí Thương mại số 31/2003 lại đưa ra một định nghĩa mới: “Thương hiệu là quá trình xây dựng hình ảnh biểu trưng của sản phẩm và của tổ chức doanh nghiệp… Sau khi đăng ký bảo vệ thương hiệu và được chấp nhận thì thương hiệu trở thành nhãn hiệu”. Vậy NHHH, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý có cần phải xây dựng hay không, hay đương nhiên mà có? 

Trong các công ước quốc tế và văn bản bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam chỉ đề cập đến các đối tượng NHHH, chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ. Các khái niệm này chỉ các đối tượng bảo hộ sở hữu công nghiệp khác nhau cả về vai trò lẫn chức năng và cách thức. Trong công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp thì tên thương mại của doanh nghiệp được bảo hộ ở tất cả các quốc gia mà không cần phải đăng ký bảo hộ. Tên thương mại cũng có thể được đăng ký bảo hộ khi được sử dụng như một nhãn hiệu hàng hoá. Khi đó, tên thương mại không chỉ giúp phân biệt doanh nghiệp mà còn giúp phân biệt sản phẩm hàng hoá mà doanh nghiệp cung cấp.

Với tất cả các lý do trên, việc dùng một cụm từ Thương hiệu trong các chương trình phát triển và tuyên truyền ở Việt Nam hiện nay gây nên cách hiểu không thống nhất giữa các đơn vị ban ngành và doanh nghiệp. Tác giả cho rằng, nếu muốn sử dụng một cụm từ chung cần phải có định nghĩa cụ thể và thống nhất cho nó bằng các văn bản mang tính chất pháp qui. Hoặc, nên sử dụng các cụm từ chuẩn thống nhất với thế giới để thuận tiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động phát triển và bảo hộ quyền sở hữu đối với các đối tượng này trên thị trường quốc tế. 

Theo ý kiến cá nhân của tác giả: thương hiệu có thể được hiểu và chỉ bao gồm là NHHH, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trường hợp các NHHH chưa đăng ký bảo hộ phải là các NHHH nổi tiếng theo các tiêu thức đánh giá chung của quốc tế. Vic đăng ký bảo hộ đảm bảo tính chất thương mại của thương hiệu, có nghĩa là có khả năng chuyển nhượng và mua bán được. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng xung đột giống cửa hàng bánh ngọt Kinh Đô ở phố Cửa Nam – Hà Nội với công ty cổ phần bánh ngọt Kinh Đô của thành phố Hồ Chí Minh. Cửa hàng bánh ngọt Kinh Đô ra đời vào năm 1980, từ đó cho đến nay họ vẫn sử dụng cụm từ Kinh Đô cho cửa hàng của mình. Công ty Cổ phần bánh ngọt Kinh Đô ra đời vào những năm cuối thập kỷ 90 nhưng họ lại đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho cụm từ Kinh Đô. Giữa năm 2003, Công ty Cổ phần Kinh Đô đã viết đơn kiện ngược dòng cửa hàng bánh ngọt Kinh Đô vi phạm luật khi sử dụng cụm từ Kinh Đô tạo nên sự nhầm lẫn. Kết quả cuối cùng, tên biển hiệu của cửa hàng Kinh Đô, mặc dù ra đời trước, đã phải thay đổi: Cửa hàng bánh ngọt đối diện rạp Kinh Đô. 

Một nguyên nhân khác nữa là, trong cuộc bình chọn giải thưởng Sao Vàng Đất Việt tháng 8 vừa qua do Câu lạc bộ Doanh nghiệp trẻ tổ chức nhằm tôn vinh các thương hiệu và sản phẩm, trên 95% nhãn hiệu đoạt giải thưởng đều đã được đăng ký bảo hộ, các nhãn hiệu còn lại được xếp vào nhãn hiệu nổi tiếng. 

2. Hoạt động bảo hộ NHHH của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước
Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hoá đã được các doanh nghiệp chú trọng và cũng đã nhận được sự quan tâm rõ rệt của xã hội. Nhiều hoạt động tuyên truyền, cổ vũ cho các cố gắng kiến tạo, bồi đắp, phát triển và bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh đã được triển khai. Bộ Thương mại còn có cả một chương trình xây dựng thương hiệu xuất khẩu Việt Nam. Nhận thức và hành động thực tiễn của các chủ thể nắm giữ các đối tượng sở hữu trí tuệ đã mang lại một số kết quả đáng phấn khởi. Điều này được thể hiện thông qua bảng số liệu 1.

Nếu chỉ tính số nhãn hiệu hàng hoá mới được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, từ năm 2001 đến 2002, đã tăng hơn 2 lần (năm 2001: 3095 nhãn hiệu, năm 2002: 6.564 nhãn hiệu), đưa tỷ lệ số nhãn hiệu hàng hoá nội địa đăng ký bảo hộ trực tiếp từ 45% (3.095 trong tổng số 6.345) trong năm 2001 lên 74% (6.564 trong tổng số 8.818) vào năm 2002. Số nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký bảo hộ tại nước ngoài theo Thoả ước Madrid cũng tăng: 7 nhãn hiệu trong năm 2001, 31 nhãn hiệu năm 2002 và 54 nhãn hiệu tính đến tháng 7/2003 [1]. Tổng số các nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam được bảo hộ ở trong nước hiện nay là gần 20 ngàn trong tổng số gần 100 ngàn nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Bên cạnh đó, 2 tên gọi xuất xứ hàng hoá đầu tiên của Việt Nam là Nước mắm Phú Quốc và Chè Mộc Châu đã được công nhận và bảo hộ.

Bảng 1: Tình hình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hoá trực tiếp tại VN
Năm Đơn đăng ký của người VN Tỷ lệ (%) Đơn đăng ký của người nước ngoài Tỷ lệ (%) Tổng cộng
1990 890 60,1 592 39,9 1.482
1991 1.747 74,0 613 26,0 2.360
1992 1.595 34,5 3.022 65,5 4.617
1993 2.270 37,0 3.866 63,0 6.136
1994 1.419 34,4 2.712 65,6 4.131
1995 2.217 39,4 3.416 60,6 5.633
1996 2.323 42,7 3.118 57,3 5.441
1997 1.654 34,3 3.165 65,7 4.819
1998 1.614 44,3 2.028 55,7 3.642
1999 2.380 57,1 1.786 42,9 4.166
2000 3.483 59,2 2.399 40,8 5.882
2001 3.095 48,8 3.250 51,2 6.345
2002 6.541 74,2 2.277 25,8 8.818
Tổng 31.228 49,2 32.244 50,8 63.472
Nguồn : Cục Sở hữu Công nghiệp – Bộ Khoa học công nghệ, 2003

Xét về khía cạnh nào đó, hoạt động phát triển nhãn hiệu hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đã có bước tăng trưởng cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành chủ sở hữu hàng chục nhãn hiệu hàng hoá khác nhau như: TCT Thuốc lá Việt Nam có 143 nhãn hiệu, Công ty Thực phẩm quận 5 TP HCM có 58 nhãn hiệu, Công ty sữa Việt Nam VINAMILK có 23 nhãn hiệu…

Tuy nhiên, kết quả đó không thể làm chúng ta yên tâm. Theo Cục sở hữu trí tuệ, cho đến tháng 7 năm 2003, số lượng nhãn hiệu hàng hoá mà các doanh nghiệp ASEAN đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam lớn gấp 3 lần so với con số vài trăm nhãn hiệu hàng hoá Việt Nam đăng ký bảo hộ tại nước ngoài. Các doanh nghiệp Singapore đăng ký tại Việt Nam 997 nhãn hiệu; Thái Lan đăng ký 699 nhãn hiệu, các doanh nghiệp Malaysia đăng ký 338 nhãn hiệu; Indonesia đăng ký 319 nhãn hiệu, doanh nghiệp Philippines đăng ký 179 nhãn hiệu. Nhãn hiệu các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tại thị trường trong nước khoảng 21.000 [1]. Theo ông Trần Việt Hùng- Cục phó Cục Sở hữu công nghiệp thì thống kê này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn trong việc lựa chọn nhãn hiệu mới. Đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài lấn sân nhãn hiệu ngay trên thị trường nội địa. Bởi vì, theo quy định quốc tế, khu vực về bảo hộ sở hữu trí tuệ thì doanh nghiệp nào nộp đơn trước có quyền ưu tiên và sẽ thắng.

Hàng nông sản, mặt hàng chủ lực của Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu, nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, và đến 90% lượng nông sản xuất khẩu phải qua trung gian dưới NHHH của nước ngoài. Theo kết quả điều tra tại các tỉnh, thành phố phía Bắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ có 37/173 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh mặt hàng nông sản, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y đã đăng ký NHHH, chiếm 21%, trong đó chỉ có 2% doanh nghiệp có đăng ký NHHH với nước ngoài.

3. Thủ tục đăng ký bảo hộ NHHH theo thoả ước Madrid.
Thoả ước Madrid về đăng ký NHHH có hiệu lực từ năm 1891. Việt Nam là thành viên của thoả ước này từ năm 1949, tính đến 2002 có 52 quốc gia tham gia Thoả ước. 

Việc đăng ký quốc tế NHHH theo Thoả ước Madrid có một số lợi thế đối với chủ NHHH. Sau khi đăng ký NHHH, hoặc nộp đơn đăng ký với Cơ quan xuất xứ, chủ nhãn hiệu chỉ phải nộp một đơn, bằng một ngôn ngữ, cho một cơ quan và chỉ phải nộp các khoản lệ phí cho một Cơ quan thay vì phải nộp cho từng Cơ quan của các bên tham gia khác nhau bằng các ngôn ngữ khác nhau. Khi gia hạn hoặc đăng ký sửa đổi, chủ sở hữu cũng được hưởng những lợi ích tương tự.

Cho đến nay, số nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký ở nước ngoài theo Thoả ước Madrid là 54 nhãn hiệu [1].
Điều kiện nộp đơn theo Thoả ước Madrid:
+ Đơn đăng ký chỉ có thể nộp bởi một thể nhân hoặc một pháp nhân có trụ sở kinh doanh hoặc cư trú hoặc là công dân của một nước tham gia Thoả ước;
+ Một NHHH có thể là đối tượng của một đăng ký quốc tế chỉ khi NHHH đó đã được đăng ký (được cấp giấy chứng nhận đăng ký NHHH) tại một Cơ quan xuất xứ;
+ Một đơn quốc tế phải chỉ định một hoặc nhiều bên tham gia (trừ bên tham gia là Cơ quan xuất xứ) nơi NHHH cần được bảo hộ. Các bên tham gia khác có thể chỉ định sau. Một bên tham gia chỉ có thể được chỉ định khi các bên đều là thành viên của Thoả ước Madrid;

+ Đơn quốc tế phải được nộp cho văn phòng quốc tế thông qua Cơ quan xuất xứ. Đơn phải có, trong số những nội dung khác, một mẫu nhãn hiệu (phải trùng với nhãn hiệu đã đăng ký tại cơ sở) và danh mục những hàng hoá và dịch vụ cần được bảo hộ được phân loại theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá và dịch vụ (Bảng phân loại Nice). Đơn được làm bằng tiếng Pháp.

+ Đơn quốc tế phải chịu các khoản phí sau:
· Phí cơ bản (653 Fr. Thuỵ Sĩ cho nhãn hiệu đen trắng; 903 Fr. Thuỵ Sĩ cho đơn yêu cầu bảo hộ màu)
· Phí bổ sung đối với mỗi bên tham gia được chỉ định (73 Fr. Thuỵ Sĩ cho mỗi nước);
· Phụ phí đối với mỗi nhóm hàng hoá và dịch vụ vượt quá 3 nhóm.
Đăng ký quốc tế có hiệu lực 10 năm, có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm với điều kiện phải nộp phí gia hạn.