Tôi là một sinh viên lập nghiệp từ hai
bàn tay trắng và đã tư vấn cho vài người bạn lập nghiệp thành công. Bài
viết của tác giả Nhật Vy và các bài phản hồi làm tôi phải suy nghĩ về
tình trạng có khá ít bạn trẻ tham gia kinh doanh so với tốc độ tăng
trưởng kinh tế của đất nước, tôi cho là từ một số lý do sau:
Thói quen dựa dẫm
Nhiều bạn trẻ Việt nam có thói quen dựa
vào các “cây cao bóng cả”, ở nhà là cha mẹ, ra xã hội là Nhà nước. Đi
học thì đợi tiền của bố mẹ là chính, ra trường thì muốn có ngay một chỗ
làm ổn định lương cao, đến khi có ý định kinh doanh cũng muốn “cơ chế
ủng hộ, ngân hàng dễ cho vay tiền”.
Tôi có thể khẳng định rằng cơ chế hiện
nay ở Việt Nam không tồi hơn nhiều nước khác, ngân hàng Việt Nam không
chặt hơn các ngân hàng nước ngòai và cơ hội kinh doanh ở Việt Nam còn
rất nhiều. Người nào khi chưa bắt đầu kinh doanh đã thấy vô số những
chướng ngại không thể vượt qua thì người đó không thể thành công.
Lười suy nghĩ
Đây là thói quen rất phổ biến của nhiều
bạn trẻ hiện nay. Từ kinh nghiệm bản thân tôi có thể khẳng định rằng ai
trong đời cũng được số phận ban cho vài cơ may nhưng nếu bạn lười suy
nghĩ và quan sát bạn sẽ không nhận ra cơ may của bạn, ngay cả khi bạn có
đầy đủ điều kiện để biến cơ may thành hiện thực. Suy nghĩ mà tôi muốn
nói ở đây là một suy nghĩ nghiêm túc, rành mạch và của riêng mình, không
thụ động, không a dua bắt chước. Kinh doanh là hình thức tự lập ở mức
cao nhất, nếu bạn không có một suy nghĩ độc lập của riêng bạn, bạn sẽ
khó có cơ hội thành công.
Nhân đây tôi muốn nói về một cách “kinh
doanh” rất phổ biến của nhiều người. Đó là thấy người khác làm cái gì
thành công là đua nhau bắt chước mà không chịu hiểu rằng muốn thành công
trong kinh doanh anh phải làm cái gì người khác chưa làm hoặc chưa làm
được. Sự bắt chước kinh doanh kiểu ấy cũng là biểu hiện của lười biếng
trong suy nghĩ rất thường gặp hiện nay và thường có kết cục không mấy
tốt đẹp .
Quan niệm sai lầm và ấu trĩ về kinh doanh
Đọc bài của các bạn, tôi càng thấy rõ
một điều tôi nhận ra từ lâu là với rất nhiều người, kinh doanh có nghĩa
là phải làm ông chủ, có văn phòng, nhân viên, và sản phẩm phải cỡ như
Nokia, Intel hiện tại. Các bạn có biết Boeing trước kia là một xưởng dập
thìa dĩa còn Huyndai bắt đầu bằng một cửa hàng gạo không? Cái khác nhau
giữa một nhà kinh doanh và một người kiếm ăn là cách tổ chức và ý thức
vươn lên chứ không phải là quy mô hiện tại hay mặt hàng mà bạn đang làm.
Đừng nghĩ bạn phải có vài trăm triệu, phải thành lập công ty mới là
kinh doanh. Bạn có thể bắt đầu bằng những của hàng nhỏ nhất, những mặt
hàng bình thường nhất.
Tôi có thể kể một câu chuyện xảy ra với
một người bạn. Cách đây vài năm, tôi gặp lại bạn tôi (học cùng phổ
thông) tại một thị xã tỉnh lẻ. Bạn tôi tốt nghiệp đại học, làm tại công
ty du lịch tỉnh, thu nhập rất thấp. Trong câu chuyện hàn huyên bạn tôi
hỏi "Cậu có gì làm được bày cho tớ chứ cứ thế này thì không đủ sống".
Hai hôm sau, tôi đã nghĩ ra một cách. Tôi nói với bạn "Tớ tìm khắp cả
cái thị xã này không có một quán phở nào ra hồn mà bây giờ tỉnh mới tách
ra, các cơ quan đang kéo nhau về thị xã, rồi các trường cao đẳng, dạy
nghề đang chuẩn bị thành lập.
Tớ thấy cậu nên về Hà Nội, tìm cách có
được một công thức nấu phở tốt, đúng chất phở Hà Nội rồi về đây mở quán,
đảm bảo cậu sẽ thành công". Bạn tôi phản ứng ngay "Học mãi mới xong đại
học giờ lại thành ông bán phở ư?" Tôi bảo "Cái khác giữa đại học và
không đại học là cậu phải điều hành nó như một doanh nghiệp, nếu thành
công cậu sẽ có các cơ may lớn hơn". Bạn tôi không nghe và câu chuyện
cũng chấm dứt ở đó.
Hơn một năm sau, có một người rất ít học
làm đúng như ý tưởng của tôi. Anh ta là phụ việc của một hàng phở quen
biết ở Hà Nội, lấy vợ tại thị xã và về quê vợ lập nghiệp, mở quán phở
như anh ta học được ở Hà Nội. Chỉ vài tháng sau khi mở ra, mỗi ngày anh
ta bán được đến cả nghìn bát phở, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng
lãi. Bạn tôi bấy giờ mới tiếc nhưng cơ hội đã trôi qua mất rồi.
Tôi có thể nêu cho các bạn trẻ muốn kinh
doanh một kinh nghiệm: Rất ít người lập nghiệp được ngay sau khi tốt
nghiệp. Hãy đi làm vài năm, suy nghĩ, quan sát, tích lũy kinh nghiệm,
quan hệ và đừng bao giờ lơi là ý chí kinh doanh của mình. Nếu bạn chứng
minh được cho người khác thấy tư cách, trí tuệ và chí cầu tiến của bạn,
bạn sẽ không khó tìm được sự ủng hộ khi bạn bắt đầu lập nghiệp. Và nên
nhớ đường đến thành công trong kinh doanh bao giờ cũng nhọc nhằn và hiểm
nguy. Chỉ những ai dám nghĩ, dám làm mới có thể đến đích.