Trang

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

20 ngày đầu năm, gần 4.500 doanh nghiệp đóng cửa


Cổng thông tin Chính phủ điện tử mới đây dẫn số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2013 cho biết, tính từ  ngày 1-20/1, đã có tới 4.278 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt  động. Con số này tăng 6,9% so với tháng 12/2012 và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, thành lập doanh nghiệp mới cả nước có 3.837 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 15.900 tỷ đồng, tăng 10,2% về số doanh nghiệp và giảm 61,3% về số vốn đăng ký so với tháng 12/2012. So với cùng kỳ năm trước, con số này đã giảm 6% về số doanh nghiệp và giảm 11,9% về số vốn đăng ký.

Như vậy, so con số thành lập mới và số giải thể, ngừng hoạt động, tính ra, chỉ trong 20 ngày đầu năm đã có thêm 441 doanh nghiệp biến mất khỏi thị trường.

Trong năm 2012 vừa rồi, số doanh nghiệp giải thể, phá sản lên tới 54.261 đơn vị, tăng 0,5% so với mức 53.972 doanh nghiệp phải đóng cửa hồi năm 2011. Tính đến ngày 31/12/2012, cả nước có khoảng 475.700 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 70.000 thành lập mới trong năm.



Kinh tế đầu năm nhiều dấu hiệu bất lợi

Tình trạng khó khăn của doanh nghiệp có thể được lý giải thông qua một số chỉ số như hàng tồn kho, chỉ số sản xuất công nghiệp và đặt trong bối cảnh lạm phát, tăng trưởng chung của cả nước.

Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/1/2013 đã tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước có thể kể đến như: Sản xuất thiết bị truyền thông tăng 374%; sản xuất xi măng tăng 35,7%; may trang phục tăng 23,3%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 17%; chế biến và bảo quản thuỷ sản tăng 15,8%...

Đây là mức tăng tồn kho cao nhất trong ngành công nghiệp trong vòng 7 tháng trở lại đây, kể từ tháng 7/2012.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 1 ước tính tăng cao ở mức 21,1% so với cùng kỳ năm trước song mức tăng được lý giải chủ yếu do tháng 1 năm ngoái trùng với tháng Tết Nguyên đán, có số ngày nghỉ nhiều.

Hơn nữa, mặc dù là tháng áp Tết Nguyên đán nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1 năm nay lại giảm 3,2% so với tháng trước và giảm ở tất cả các ngành công nghiệp cấp I. Trong đó ngành khai khoáng giảm 4,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3%; sản xuất và phân phối điện giảm 1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%).

Điều này, theo cơ quan thống kê, sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp cho dịp Tết Nguyên đán năm nay thấp.

Bên cạnh đó, với những điều chỉnh giá một số mặt hàng liên quan đến nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng đã đẩy thêm khó khăn cho doanh nghiệp nói chung khi chi phí đầu vào tăng mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 đã tăng 1,25% so với tháng trước. Mặc dù mức tăng này không quá cao khi đang là thời điểm giáp Tết Nguyên đán và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng đây là mức cao đặt trong bối cảnh hiện tại.


Việc khó kìm giữ CPI dưới mức mục tiêu sẽ làm hẹp thêm dư địa để hạ lãi suất.

Khó phù phép doanh nghiệp "chết" thành "sống" để tiếp cận vốn

Trao đổi với Dân trí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, ông không cho rằng, không hề dễ dàng để một số doanh nghiệp thua lỗ, đứng trước bờ vực phá sản có thể ra "chiêu" lách bằng cách thành lập doanh nghiệp khác hòng dễ bề vay vốn ngân hàng như một số phản ánh trước đó đã nêu.

Phía cho vay là cán bộ tín dụng của ngân hàng rất "tỉnh táo" trong việc xác định đối tượng đến vay vốn là ai. Ngoài yêu cầu có tài sản thế chấp, bên có tiền cũng "chọn mặt gửi vàng", căn cứ vào nhân thân người chủ đó có đáng tin cậy, quá trình kinh doanh 3 năm liền có hiệu quả hay không thì mới đưa ra quyết định cho vay, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, bản thân dự án của doanh nghiệp mới thành lập đó có đủ cơ sở để được cho vay hay không thì mới thuyết phục được bên cho vay đồng ý. Do vậy, nếu chỉ bằng cách thay tên, cùng một chủ mà nhằm tiếp cận vốn không phải chuyện dễ dàng.

Ông Đông cũng nói, "chúng tôi tự tin tuyên bố rằng, việc thành lập mới doanh nghiệp sẽ không còn dễ dàng như trước". Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp qua công nghệ thông tin, thương mại điện tử, kết nối với mạng của Tổng cục thuế, liên thông mã số thuế của doanh nghiệp.

Từ nay, việc chủ doanh nghiệp khó còn có thể lợi dụng thành lập công ty mới để lợi dụng thuế TNDN, thuế VAT. Hệ thống này cho phép các cơ quan công an, cảnh sát kinh tế, cơ quan thuế cũng như phía ngân hàng dễ nhận diện những cá nhân đăng ký tới 5 doanh nghiệp trong 1 năm không phát sinh sản xuất kinh doanh; các đối tác trong kinh doanh dễ nhận diện, tìm hiểu hồ sơ của nhau trước khi đi đến ký kết.

Về phương thức hỗ trợ, đến thời điểm hiện tại, phía Bộ Tài chính đã có quyết định giãn thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số doanh nghiệp trong diện ưu tiên. Đồng thời, nếu CPI nằm trong tầm kiểm soát, thì cũng sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước có quyết định hạ lãi suất thêm trong năm.

Trao đổi bên lề cuộc Họp báo cuối năm 2012, ông Đỗ Thức đánh giá, với một nền kinh tế cần tăng trưởng dương hợp lý (chưa nói tăng trưởng nóng) thì CPI sẽ không thể xuống quá thấp, mà mức hợp lý là dưới 8%. Do quy mô nền kinh tế Việt Nam rất nhỏ nên tốc độ tăng dù là 5-7% thì vẫn phải được duy trì ở mức cao.

Riêng quý I, với kinh nghiệm của mình, lãnh đạo cơ quan dự báo kinh tế của Bộ KHĐT đánh giá, nếu đáp ứng được mức mục tiêu khoảng 5,5% cả năm thì GDP quý I vào khoảng 4%.