Trang

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Nhập hộ khẩu TP.HCM: Còn lắm nhiêu khê!

Với qui định mới của Chính phủ, việc nhập hộ khẩu vào TP.HCM đang được coi là rất “mở”. Thế nhưng trong thực tế vẫn không đơn giản, người dân luôn bị phiền hà bởi những chuyện không đâu...

Xác nhận tình trạng nhà: phải đo vẽ lại?

Anh Trần Đình Khải, ngụ đường Phạm Văn Chiêu, P.12, Q.Gò Vấp, cho biết đầu tháng 12-2005, anh lên phường để làm hồ sơ xác nhận tình trạng nhà. Mặc dù căn nhà của anh đã có tờ kê khai nhà đất năm 1999, giấy tờ mua bán, bản vẽ hiện trạng đất nhưng cán bộ tiếp nhận vẫn không đồng ý, yêu cầu anh phải có bản vẽ hiện trạng nhà mới.

Anh Khải đành phải ký hợp đồng đo vẽ với người của một công ty có đặt bàn ngay tại trụ sở UBND phường. Với chi phí gần 700.000 đồng, một tuần sau anh Khải có bản vẽ và được hẹn 20 ngày lên lấy hồ sơ. Chỉ riêng cái đơn xác nhận tình trạng nhà, tổng cộng anh Khải đã phải chờ cả tháng trời.

Chị Nguyễn Thanh Thảo, ngụ tại đường Quang Trung, Q.Gò Vấp cũng cho biết khi chị mua nhà thì trong hồ sơ đã có bản vẽ hiện trạng nhà đất. Chị không sửa chữa, cơi nới gì thêm nhưng khi tới phường yêu cầu xác nhận tình trạng nhà thì UBND phường lại buộc chị phải đo vẽ lại.

Việc yêu cầu đo vẽ hiện trạng nhà đã làm người dân ở quận Gò Vấp rất bức xúc. Trong khi đó thì nhiều phường xã khác không đòi hỏi làm chuyện này.

Xác nhận hộ khẩu cũ: không đơn giản!

Anh Lê Nguyên Hoàng, ngụ P.Hiệp Thành, Q.12 nói rằng từ trước năm 1995 anh có hộ khẩu tại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, sau đó tách huyện nên xã của anh về huyện mới là Cẩm Mỹ. Khi làm hồ sơ nhập khẩu vào TP.HCM, anh Hoàng phải ba lần về địa phương để xác nhận nơi đăng ký hộ khẩu cũ nhưng đều bị từ chối vì công an xã không còn hồ sơ lưu. Đến lần thứ tư, anh “xuống nước” nói với anh công an xã để nhờ giúp đỡ thì anh này đòi được “bồi dưỡng” 2 triệu đồng. Anh Hoàng đành bấm bụng đưa tiền để được xác nhận.

Nhiều người khác cho biết muốn được xác nhận cũng phải mất tiền giống như anh Hoàng, nhất là những trường hợp đã bị cắt xóa hộ khẩu do đi khỏi địa phương nhiều năm. Để có được biên bản đã “xóa hộ khẩu”, chị Hoàng Thị Tuyết, ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã phải tới lui công an huyện 4-5 lần nhưng lần nào cũng bị hẹn “chưa lục được hồ sơ”. Cuối cùng, chị đành phải chi 1,5 triệu đồng “trà nước” mới xong việc.

Khổ vì xác nhận không đúng qui định

Tại Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM (PC13), tất cả mọi người dân muốn làm thủ tục nhập hộ khẩu đều phải lấy tickê trước và chờ khoảng 10 ngày sau mới được nộp hồ sơ. Chị Nguyễn Thị Tư - ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân - cho biết: “Chờ đợi mãi mới đến lượt mình nhưng hồ sơ nộp bị trả lại”.

Theo giải thích của người cán bộ tiếp nhận hồ sơ, tờ xác nhận tình trạng nhà của chị bị thiếu mất nội dung nhà có thuộc diện lấn chiếm hay không. Thế là chị Tư đành cầm hồ sơ về phường xác nhận lại và tiếp tục lấy số, chờ đợi nộp hồ sơ lại từ đầu. Không thể nói công an làm khó, mọi cái chỉ vì chuyện xác nhận của phường xã nhiều khi quá chung chung.

Mặc dù thông tư của Bộ Công an và văn bản của UBND TP.HCM đã hướng dẫn rất cụ thể bốn nội dung cần phải xác nhận: nhà ở ổn định (thuộc sở hữu của ai, xây dựng có phép hay không...), nhà có tranh chấp, có thuộc diện lấn chiếm hay qui hoạch (nếu thuộc qui hoạch thì xác định thêm đã có thông báo di dời của cơ quan chức năng hay chưa).

Thế nhưng khi xác nhận tình trạng nhà, nhiều phường xã đã “bỏ quên” một số nội dung cần chứng khiến người dân phải đi lại nhiều lần. Có phường chỉ xác nhận kiểu: nhà ở ổn định (thiếu nội dung thuộc sở hữu của ai), nhà thuộc qui hoạch (mà không nêu rõ đã có thông báo di dời hay chưa)...

Chỉ trong hơn nửa giờ ngồi tại phòng tiếp nhận hồ sơ nhập hộ khẩu của Công an TP.HCM, chúng tôi đã chứng kiến bốn trong số sáu người nộp hồ sơ bị trả lại vì tờ xác nhận tình trạng nhà thiếu mất nội dung “nhà không lấn chiếm” (phần lớn là do các phường tại Q.Bình Tân, Gò Vấp chứng).

Về tình trạng phải xếp hàng để nộp hồ sơ, theo PC13, lý do người dân phải lấy thẻ và chờ đợi lâu là vì lượng hồ sơ nộp tại đây đã quá tải. Mỗi ngày phòng chỉ tiếp nhận giải quyết được hơn 100 hồ sơ nhưng lượng hồ sơ của người dân thường tới vài trăm.